Page 203 - Trần Huy Liệu Cõi Đời
P. 203
Không biết bao nhiêu lần, Liệu nghe người ta kêu xin khi giấy gọi con vào đại học bị
chính quyền cấp xã ỉm đi mà phải bất lực. Cái bể tiểu nông với những tư thù tủn mủn nhỏ
hẹp, những toan tính ti tiện, đến lúc này mới thấy nó quá mênh mông.
Liệu tham gia làm những tổng tập chung, có sự chỉ đạo của trên nên cái chủ quan “lên”
không được bao nhiêu. Giống như người nông dân làm thư thả trên mảnh ruộng tập thể ấy
mà. Dần dần, ông tìm cách trở về với những trước tác riêng, không đồ sộ, bao quát bằng,
nhưng có dấu ấn cá nhân. Trong đó, ông tha hồ một mình, làm chủ những nhận định, chịu
trách nhiệm khi phán xét. Tất nhiên như thế thì phải công phu hơn trong tư liệu, nghiêm túc
hơn trong các đánh giá. Phải thế thôi. Những nhận định non, áp đặt đều không thể có chỗ.
Khảo cứu tiếp theo, chỉ đơn giản mang tên “Nguyễn Trãi”, dày 230 trang, ra đời năm
1966, khác hẳn “người anh em” sinh năm 1962. Một phương pháp khoa học, những tư liệu
phong phú, kết quả của nhiều lần trở đi trở lại với đề tài. Và không thể không nhận ra rằng
nhân vật đã vận vào tác giả quá sâu sắc. Công trình khảo cứu mà lời văn đăm đắm, dù không
rơi vào ủy mị, ảo não. Những đoạn trích đều đạt, rất có hồn, mang lại cho cuốn sách một cái
“vẻ” dễ đọc, dù là với người đọc đơn giản.
Liệu không biết rằng 34 năm sau, trong nền kinh tế thị trường lộn xộn, người ta in lại
công trình của ông dưới mác nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. Tên sách bị sửa lại: “Nguyễn
Trãi - cuộc đời và sự nghiệp” , có lẽ cho dễ bán. Con cái ông chả ai được hỏi ý kiến, chỉ biết
đến khi có người phô. Và họ thốt ra câu đùa: “Bố mình dại? Ai bảo dính đến Nguyễn Trãi. Dù
là danh nhân văn hóa thế giới được UNESCO kỷ niệm dịp 500 năm, ông cụ vẫn bị báo người ta
in nhầm ảnh kia mà!”
<1 width="33%">
[i] Ức Trai: hiệu của Nguyễn Trãi