Page 202 - Trần Huy Liệu Cõi Đời
P. 202
Ly đã có những chính sách mới thật đáng khâm phục: phát hành tiền giấy thay tiền đồng,
hạn chế số ruộng đất, nô tì của quý tộc. Quý Ly chết vì chỗ ấy. Chiếm được ngôi cao tót vời,
ông đã không còn được sự ủng hộ của vương hầu công chúa cũ, vốn đã bị lột nhiều quyền
lợi qua các cải cách của ông.
Lòng người, sự xoay vần của thế sự khó lường quá. Nhất là khi nhìn vào lịch sử, đem
những “sự” trong đó ra ngẫm nghĩ, so đo với những gì đương diễn ra. Mặt người cứ đăm
chiêu là phải.
“Nguyễn Trãi - một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam” dày 135 trang, in ở nhà
xuất bản Sử học năm 1962, là một khảo cứu công phu, có tiếng vang. Nhưng nó có vẻ “khách
quan” quá. Mà Liệu bị Nguyễn Trãi ám. Số phận bi thảm của con người quá lớn ấy, ông thấy
có nhiều nét tương đồng.
Những năm sáu mươi là thời điểm Trần Huy Liệu thấy cực kỳ cô đơn khi phát ra những
chính kiến của mình - những suy nghĩ nung nấu ông, không thể nói ra duỗi một dạng nào
khác. Nhìn xung quanh cứ thưa vắng dần. Trần Đình Long, Hải Triều tâm giao thời Mặt trận
Dân chủ Đông Dương đều không còn. Nguyễn Bình, người đàn em từ Quốc dân đảng, cùng
chuyển sang “phe” Cộng sản ở ngục Côn Đảo, lại mất một cách bí ẩn sau những chiến tích
vang dội trong Nam. Những Vũ Đình Huỳnh, Bùi Công Trừng đang ở những đâu đâu, còn
hay mất? Và Liệu “còn” được bao lâu nữa? Ông chỉ còn những trao đổi thi thoảng với Trần
Văn Giàu, Tạ Quang Bửu. Trên cương vị Bộ trưởng Đại học, Bửu phải rất cố gắng mới lập
được chế độ thi vào đại học thay cho lối gọi chủ yếu dựa trên lý lịch.
Đó là một kỳ tích, phải đánh giá thế, để những người tài còn ngoi lên, đất nước được
hưởng năng lực của họ. Chứ không thì đội ngũ trí thức cứ chỉ được bổ sung những ông “đã
kinh qua lao động” nhưng cầm quyển sách là ngại mãi à? Nhưng vẫn còn đó vô vàn cái khó
mà Bửu chả thể vượt qua.