Page 273 - Lý Thường Kiệt
P. 273
LÝ THƯỜNG KIỆT
Qua đời Nguyễn, nghị luận cũng quanh quất trong hai ý ấy: tán dương
võ công, chú ý đến sự xuất thân là hoạn thị. Từ vua Tự Đức trong Việt sử
ngự chế tổng vịnh, qua bia Nhữ Bá Sĩ, cho đến người phê bình nhân vật chép
trong VĐUL, đều lặp đi lặp lại hai ý ấy.
Ngày nay chúng ta không thành kiến, có thể xét sự nghiệp Lý Thường
Kiệt một cách công minh.
Đọc hết đoạn sử này, ai cũng phải nhận rằng Lý Thường Kiệt đã có
công đặc biệt đối với vận mệnh nước ta: là mở cõi miền nam và miền bắc,
chống thắng cuộc xâm lăng của nước ngoài và củng cố biên thùy mọi mặt,
khiến các lân bang kính nể.
Đạt được mục đích ấy là nhờ dân ta đời Lý đã đông đúc. Lại nhờ kẻ
cầm quyền đã biết tổ chức binh đội, biết lợi dụng đức tính bền bỉ của nông
dân ở đồng bằng, tập tính giỏi nghề đi sông đi bể của dân miền bể và sự
hiểu thiên thời, địa lợi của dân thượng du.
Trái lại, tuy Tống có của cải nhiều, binh mã giỏi, tướng có kinh nghiệm,
vua có chí to, nhưng những cái sở trường ấy dùng không hợp với mục đích
xâm lăng, không hợp với địa hình, thời tiết miền nam. Cũng tướng ấy, quân
ấy, nếu để ở biên thùy bắc thì chắc có thể ngăn cản được quân Liêu, Hạ.
Nhưng vua Tống lại đem chúng tới vùng nóng nực, rừng núi, xa làng mạc
chúng. Chi nêu danh nghĩa đem quân đi phạt man di, thì có lẽ chỉ đủ làm
phấn khởi lòng các tướng tá, vì họ mong thắng trận rồi được thăng chức
tước. Nhưng đối với quân ô hợp lượm ở miền bắc, thì chỉ có sự mong muốn
cướp bóc, hiếp chóc, họa may mới làm chúng chiến đấu hăng hái. Khốn nỗi,
quân chưa từng xuống đến miền giàu có, mà đã bị thiệt hại nhiều rồi. Cho
nên không ai có lòng chiến đấu.
Lý Thường Kiệt đã biết đem sự bất kỳ chống với sự mạnh, đem chỗ
mình giỏi chống với chỗ địch kém, đem quân được nghỉ ngơi đợi quân phải
mệt nhọc, đem sự nhẫn nại chống với sự kiêu căng, và nhất là lấy nghĩa sinh
tồn của một dân tộc đối với lòng cầu danh của một vài nhân vật địch. Đó là
những cớ chính làm cho quân Lý thắng và quân Tống phải thua.
284