Page 249 - Truy Tìm Căn Nguyên Tăng Trường
P. 249
CHƯƠNG 13. Phân cực xã hội
Nhân loại dễ rơi vào tình trạng thù địch đến nỗi mà ngay cả khi không có sự kiện gì
lớn xảy ra, những bất đồng nhỏ và kỳ cục cũng đủ nhen lên ác cảm và gây ra những
xung đột dữ dội nhất.
– James Madison, Văn kiện Liên bang, số 10
Một lần, chuyến bay của tôi bị hủy bỏ vì trục trặc kỹ thuật. Một chuyến bay khác cùng
điểm đến sẽ bay ngay sau đó. Cả chuyến bay trước và sau đều gần như kín chỗ. Hoàn
cảnh này đột nhiên sinh ra hai phe đối lập: những người của chuyến bay trước và
chuyến bay sau tranh giành chỗ ngồi. Những người của chuyến bay trước cho rằng họ
đáng được bay chuyến tới vì chuyến bay của họ bị hủy do lỗi của hãng hàng không.
Những người của chuyến sau lại cho rằng họ có quyền bay vì họ không liên quan tới
những gì xảy ra trong chuyến bay trước. Sự đối địch giữa hai nhóm này bùng lên
nhanh chóng khi những người hoàn toàn xa lạ đoàn kết bên nhau. Những người của
chuyến bay bị hủy than phiền về sự bất công, sự hung hăng và ngạo mạn của những
người thuộc chuyến bay sau. Những người của chuyến bay sau cũng càu nhàu không
ngớt về hành khách của chuyến bay trước. Tất cả dường như đều trở nên quá khích.
Cuối cùng, hãng hàng không nghiêng về phía những người bay sau. Lúc đó, cả hai
nhóm đều chịu thiệt vì chuyến bay sau bị hoãn do cuộc cãi vã nảy lửa giữa hai phái.
Bè phái dường như mọc ra từ chỗ chẳng có chuyện gì.
Việc chia phe phái góp phần lý giải tác động xấu của chính sách đến tăng trưởng. Tại
sao chính phủ lại có động cơ thực thi những chính sách có hại cho tăng trưởng? Tại
sao họ lại cản trở tăng trưởng bằng cách tham nhũng trong khi phần dành cho họ sẽ
lớn hơn khi có tăng trưởng? Và nếu những người nghèo cần trợ cấp đầu tư để tham
gia vào quá trình tăng trưởng thì tại sao chính phủ lại không trợ giúp? Chúng ta thấy
rằng chính phủ của những xã hội bị chia rẽ có động cơ phân phối lại thu nhập. Trong
những xã hội gắn kết hơn, chính phủ có động cơ thúc đẩy phát triển. Sự khác biệt căn
bản giữa những chính phủ chú trọng vào phân phối lại và những chính phủ chú trọng
vào phát triển nằm ở sự phân cực xã hội. Những xã hội bị chia cắt thành phe phái sẽ
đấu tranh với nhau trong việc phân chia quyền lợi; những xã hội thống nhất bởi một
nền văn hóa chung và một tầng lớp trung lưu mạnh sẽ đạt được sự nhất trí cao trong
hoạt động thúc đẩy tăng trưởng – một quá trình mà người nghèo cũng được hưởng
lợi.
249