Page 210 - Truy Tìm Căn Nguyên Tăng Trường
P. 210

CHƯƠNG 11. Các chính phủ cũng có thể bóp chết tăng trưởng
               Chính trị là nghệ thuật tìm kiếm sự rắc rối, tìm ra nó, đánh giá nhầm, và sau đó thì áp

               dụng những cách khắc phục sai.
               – Groucho Marx

               Cả chính phủ tồi và vận rủi đều có thể bóp chết tăng trưởng. Bởi vì, việc trở nên giàu

               có, tức tăng trưởng, rất nhạy cảm trước các động cơ nhằm làm giảm tiêu dùng hiện tại
               để đánh đổi lấy thu nhập cao hơn trong tương lai nên bất kỳ điều gì làm sai lệch các
               động cơ này đều ảnh hưởng đến tăng trưởng. Nghi phạm đầu tiên cho việc làm sai

               lệch các động cơ chính là chính phủ. Bất kỳ hình thức đánh thuế thu nhập tương lai

               nào của chính phủ, dù là trực tiếp hay gián tiếp, đều làm giảm động cơ đầu tư vào
               tương lai. Những yếu tố như lạm phát cao, chênh lệch giá trên thị trường chợ đen cao,

               lãi suất thực âm, thâm hụt ngân sách cao, các hạn chế về tự do thương mại và các dịch
               vụ công yếu kém đều tạo ra những động cơ tồi cho tăng trưởng. Trong chương này,

               tôi sẽ phân tích những bằng chứng cho thấy các chính sách đó của chính phủ kìm hãm
               tăng trưởng. Trong chương tiếp theo, tôi sẽ xem xét một căn bệnh của chính phủ tồi –

               tham nhũng. Và sau đó, tôi sẽ đi sâu tìm hiểu tại sao những chính phủ của một vài xã
               hội lại tồi đi.

               Tạo ra lạm phát cao
               Tôi đến thăm Israel lần đầu tiên vào tháng 11 năm 1997. Khi nghĩ về Israel, người ta

               nghĩ đến bề dày lịch sử của đất nước này: đây là quê hương của ba tôn giáo lớn, là nơi
               chứng kiến mâu thuẫn đầy bi kịch giữa người Do Thái và người Palestine. Còn các

               nhà kinh tế vĩ mô, những người luôn nhìn nhận mọi thứ với cách nhìn khác lạ, lại nghĩ
               về lạm phát giá tiêu dùng.

               Israel là một trong những trường hợp lạm phát cao tồi tệ nhất trên thế giới trong
               khoảng thời gian từ 1973 đến 1985. Sau năm 1985, đất nước này lại được biết đến với

               chương trình hạn chế lạm phát cao thành công nhất trên thế giới. Đối với các nhà kinh
               tế vĩ mô, Israel là một phòng thí nghiệm tuyệt vời để nghiên cứu những yếu tố tác

               động đến tốc độ tăng trưởng của một đất nước khi nó mắc căn bệnh lạm phát cao.

               Câu chuyện bắt đầu vào cuối năm 1973 khi việc tăng giá dầu của OPEC ảnh hưởng
               đến Israel cũng như nhiều nước khác. Nhưng không giống những nước khác, Israel
               lúc đó đang lâm vào một cuộc chiến tranh: cuộc chiến tranh Yom Kippur tháng 10

               năm 1973.


                                                            210
   205   206   207   208   209   210   211   212   213   214   215