Page 196 - Trần Huy Liệu Cõi Đời
P. 196
là cấp trên kia, và là ai thì Liệu cũng đoán biết. Những cảm giác đợi chờ ấy, ông đã quá quen
từ hồi còn trẻ.
Rồi việc cũng đến. Cuộc họp của trí thức ở câu lạc bộ Đoàn kết có Tổng Bí thư dự. Liệu
giới thiệu, đồng chí Trường Chinh lên nói nhiều vấn đề, nhiều chuyện của địa hạt tư tưởng,
khoa học xã hội. Bài “Xét lại “hồ sơ” của giai cấp địa chủ” bị kết luận rất nặng nề: “Mơ hồ giai
cấp?”. Ai nấy bàng hoàng kể cả người chưa đọc.
Liệu đã đứng dậy cảm ơn Tổng Bí thư đã cho ý kiến, rồi chuyển sang phần nghị sự
khác.
Buổi “học” tan trong không khí nặng nề. Người phụ trách tổ chức Đảng ở cơ quan nhận
được lời đề nghị của người vừa bị phê bình “Anh cho họp chi bộ để tôi trình bày vấn đề”.
Tâm thế Liệu khá bình tĩnh. Không “lên máu”, không hoang mang. Hẳn đã biết cái sự thế nào
cũng diễn ra, và diễn ra như thế nào. Việc gì mà ông phải nghĩ lại, phải tiếp thu. Đằng sau
ông là sự thực lịch sử, chả có học thuyết, lý luận nào giúp được ông phủ nhận nó. Ông sẽ
chung sống với lỗi “mơ hồ”.
Có điều Liệu không biết, trước khi đi họp, Tổng Bí thư đã hỏi “có khách nước ngoài
không để tôi không nói vấn đề nội bộ”. Hẳn là những bức xúc không kìm được, ông đã phải ra
lời…
Bài báo đụng chạm đăng tạp chí chuyên ngành, quá hẹp về độc giả nên không được
nhiều người biết đến. Coi như một lẩn ném hòn sỏi xuống ao. Người ta không nhắc đến nó
cùng những hệ lụy cho tác giả một cách chính thức, công khai. Có lẽ bà vợ hai của Liệu, một
người “có chân” trong giai cấp địa chủ, cũng không biết là nó đã từng có mặt trên đời này.
Nhiều năm sau, khi binh lửa trở lại trên bầu trời miền Bắc, Viện Sử học sơ tán lên Hiệp
Hòa, Bắc Giang, nơi có những giếng nước trong mát đầy ăm ắp. Trong một đêm trăng sáng,
Liệu ngồi ngoài sân ngôi nhà nông dân cùng Bùi Đình Thanh, bí thư chi bộ cơ quan. Cả hai
đã thức gần trắng đêm, nói bao nhiêu chuyện, cả “vụ” “Xét lại “hồ sơ” giai cấp địa chủ” ngày
nào. Bùi Đình Thanh đã ngỡ ngàng nghe thủ trưởng bộc bạch cái điều “đấu tranh giai cấp
không phải tư tưởng chủ đạo của tôi”, rằng cái tính khí khái, “tôi học nó từ Nho giáo, không