Page 192 - Trần Huy Liệu Cõi Đời
P. 192
tình thế trong cuộc chiến tranh với đế quốc, những quyền đó lại bị xóa đi một cách triệt để,
khiến nhiều gốc rễ rung chuyển.
Những con cái địa chủ kêu oan. Những bí thư chi bộ bị kết tội Quốc dân đảng, phải xử
tử, “hiện hồn” về báo oán người chịu trách nhiệm quản lý mới của thôn xóm. Những ông
giáo từng mở trường dạy học cho cả vùng, được kính trọng, nay còng lưng xuống chào “ông
bà nông dân” mù chữ. Những ruộng đất cằn cỗi để hóa vì người ta bận họp, bận đấu tố, quy
thành phần, lắp ráp cho đủ tỷ lệ địa chủ được ấn định. Người bỏ quê đi tha phương nhiều
quá. Trí thức sợ hãi, kẻ có của co mình lại. Mà đã một thời họ nô nức đi trong đội ngũ dân
tộc theo tiếng gọi của ta cơ mà.
Đảng đã nhận ra sai lầm của Cải cách ruộng đất năm trước, và tiến hành sửa sai. Có
người được “phong” địa chủ kháng chiến. Có người được “xuống” làm trung nông lớp trên.
Án oan cũng xóa, kẻ xuống tay mạnh quá đến nức nở xin con cái người bị xử lý tha tội. Lại
có cả cán bộ cấp Trung ương mất chức… Nhưng đó mới chỉ là biện pháp tổ chức. Cần phải
có sự tổng kết về nhận thức, chỉ ra các nguyên nhân, cội rễ của sai lầm thì mới triệt để. Việc
đó cần vô cùng.
Vào giữa những năm năm mươi, Liệu trăn trở với ý tưởng xây dựng một bài viết về địa
chủ Việt Nam. Trước đó, hai bài của ông có liên quan một chút đến đề tài này đã ra mắt trên
tạp chí Văn Sử Địa: “ N hững người hoạt động văn hóa với việc cải cách ruộng đất” in số 1,
“Vấn đề ruộng đất trong cách mạng Việt Nam” in số 2. Cả hai đều ra năm 1954 và ký Trần
Huy Liệu. Bài lần này đưa một vấn đề trực diện về cái sự kiện còn nóng hôi hổi, có chỗ vẫn
nhức buốt. Tuy tính xã hội rất lớn, nó không thể dài quá, và phải nghĩ rất nhiều để có một
kết cấu hợp lý, chặt chẽ về lập luận.
Liệu làm thận trọng, kín kẽ, các ý tứ đều được kiểm soát khi triển khai bóc tách, chẻ
nhỏ ra. Chả gì ông có một bà vợ bị quy địa chủ, dễ mang tiếng đem cái riêng ra bàn nhẽ
chung. Nhưng cái chính đây là một luận văn khoa học, cần có lý tính, viết trên cơ sở nhận
thức về cái chung, đại thể. Cũng không thể vì những sai lầm trong Cải cách ruộng đất mà
phủ nhận hết thành quả mà nó mang lại. Nhưng dù thế nào, cái tư thế tranh luận, phản biện