Page 167 - Trần Huy Liệu Cõi Đời
P. 167
- 20 -: DỰ CẢM
Từ An Mỹ, Liệu sang Đồng Bẩm dự mấy cuộc đấu tố thí điểm. Địa chủ bị “bầu” làm
“điển hình” là Tổng Bính và Nguyễn Thị Năm.
Vượt suối đang tràn lũ, qua con dốc, đã thấy rừng người đông rầm rập. Trên cây lũ trẻ
vắt vẻo như đàn chim. Quang cảnh giống một lễ hội dưới xuôi với những người dân náo
nức, vui vẻ như sắp vào đám vật, nhưng làm Liệu lo ngại. Người sắp bị đấu tố vừa có công
vừa có tội, bóc lột nông dân thực nhưng lại đóng góp không ít cho kháng chiến. Cuộc Cải
cách ruộng đất sẽ lan tới đâu, liệu có đụng đến Sửu và hai đứa con yêu dấu đang bên kia dãy
Tam Đảo? Cơ quan nghiên cứu vừa thành lập đang cần sắp xếp mà ông không thể ngồi yên.
Được cái là Trần Đức Thảo, Vũ Ngọc Phan, Phạm Trọng Điềm, Tôn Quang Phiệt… đều có
mục đích công việc của mình, Liệu chỉ phải hướng dẫn mấy chàng trai mới như Văn Tạo,
Nguyễn Công Bình. Và cái ban mới ra đời cũng dựa được nhiều vào cơ sở của nhà xuất bản
Sự thật của Minh Tranh.
Kháng chiến đang ở giai đoạn cuối. Thắng lợi, chắc chắn là vĩ đại, đang rất gần. Công
cuộc tổng phản công cần sự hỗ trợ của hậu phương để động viên chiến sĩ ngoài chiến
trường - đa phần con em nông dân. Phân chia lại ruộng đất, tước bỏ của người giàu đem
chia lại cho người nghèo là một chủ trương cần thiết, nước Trung Hoa mới lập nền xã hội
chủ nghĩa cũng đã làm, và đang muốn ta tiến hành. Nhưng làm quá đi, liệu có phải tự chặt
tay mình. Liệu thấy lo ngại khi nghe đồng chí cố vấn Trung Quốc phổ biến kinh nghiệm “Thổ
cải”, nhất là việc định ra tỷ lệ địa chủ, trong một làng nhất định phải tìm cho ra ngần nấy tên
bóc lột.
Liệu ghi nhật ký, rất kỹ. Một mặt, đó là công tác, đi dự đấu tố thí điểm để về báo cáo
ban chỉ đạo trung ương, rút kinh nghiệm cho cuộc Cải cách ruộng đất sẽ làm đại trà sau này
trên cả miền Bắc.
Nhưng mặt khác, lại là sự quan tâm đến các số phận, những gương mặt riêng lẻ của ai
đó đã từng gặp mặt, quen biết hay mới chỉ nghe tiếng, cùng với “gương mặt quần chúng”.