Page 170 - Trần Huy Liệu Cõi Đời
P. 170
ruộng đất hay tô tức. Người ta chỉ len vào những việc phụ khác như ăn hối lộ, quỵt tiền
công, tham ô, đánh người… Có một số người mà phần nhiều là phụ nữ tố tên B. bằng một
giọng kể lể tự nhiên thì được công chúng nghe rõ ràng và thấm thía. Một bà đau xót vì chồng
bị B. đánh 3 cái ba toong và khi B. vào nhà bà sục bắt cán bộ thời bí mật, cán bộ chạy làm vỡ
một rổ bát để nhà bà không có cái bát mà ăn. Một chị ở giơ cái chân khấp khểnh vì bị sâu
quảng đế truy nguyên vì B. mà què chân. Một anh ở khác tố cáo vì B. không cấp thẻ thuế thân
trong thời Pháp thuộc nên không đi đâu được. Tuy vậy, có bà kể lể vì bị quỵt 3 nồi thóc, đi tới
kết quả là con ốm bị chết để kết luận bằng câu: “Vậy mày có trả tao 3 nồi thóc không?”. Cũng
một bà khác có anh ở cho B. ốm chết, rồi cũng suy luận theo kiểu trên để đi tới đòi mấy nồi
thóc tiền công. Một chị chấp hành nông hội, ngồi ghế chủ tịch đoàn là chị Bân đã tố B. cướp
một con trâu với tinh thần căm tức dào dạt, nhưng chị vừa nói vừa vỗ tay xỉa xói vào mặt B.
khiến mình có cảm tưởng như nghe cuộc cãi nhau của một mụ bán hàng chua ngoa ở chợ
Đồng Xuân.
Ngoài ra, không thiếu những điều vô lý đến phì cười Có n gười tố B. đã quyên tiền của
mình để đóng cho Việt Minh trước cuộc Cách mạng Tháng Tám mà không nói rõ B. đe dọa nếu
không quyên thì sẽ bị giết. Có người tố B. đã làm chết hai du kích chỉ vì B. đã phái đi bố trí
trong khi quân Pháp tiên lên Thái Nguyên năm 1947. Có người còn tố B. đã làm thịt lợn đãi du
kích mà con lợn đó là lợn nhà của B. Một anh tự xưng là bộ đội Anh Bắc trước cuộc cách
mạng trong khi tố B. đã không quên “quảng cáo” cho B. là B. đã đốt bằng sắc của thời Pháp
thuộc. Một anh phu phà nhắc lại chuyện năm xưa đã bị B. đánh một cái tát vì té nước vào
quần B. rồi cứ sừng sộ mãi: “Mày có phải là cán bộ không?”. Nhiều người tố giác B. đã thừa cơ
ăn cắp vải, đồng hồ, súng lục… khi quân ta đánh chiếm Thái Nguyên tháng 8-1945. Rồi sau khi
nghe B. phân trần, người ta vẫn cứ truy mãi: “Thế còn đạn mày lấy ở đâu?”. Cuộc tranh đấu
càng kéo dài, những vấn đề đem ra tố càng trở nên lung tung, tản mạn. Một chị phụ nữ là y
tá của một cơ quan cũng lăng xăng chạy vào hỏi chiếc bút Pắc-ke bị mất năm trước khi cơ
quan còn đóng ở nhà B. Một người khác kể tội B. khi dạy học đã dùng thước đánh mình. Nói
tóm lại, người ta không còn thấy gì là tính chất giai cấp đấu tranh của nông dân chống địa
chủ nữa.