Page 166 - Trần Huy Liệu Cõi Đời
P. 166
cảnh ấy của kháng chiến, sụ tồn tại của Trần Đức Thảo rất khó hòa hợp. Chuyên ngành của
vị tiến sĩ đào tạo ở Pháp từ thời còn trẻ là triết học, khá xa lạ với Liệu và những bậc túc nho,
những nhà cách mạng chuyển sang nghiên cứu.
Thôi thì việc ông ông cứ làm. Khổ nỗi, ác nỗi là những cá tính (?) trong sinh hoạt. Thảo
lầm lì, lừ đừ, khó trao đổi, chả văn nghệ văn gừng bao giờ. Người được trên giao nhiệm vụ
giúp việc cho ông là một đảng viên, rất khó thông với “quan niệm” phải giặt cả quần đùi áo
lót của Thảo, trong khi ông triết gia học Tây về coi đó là đương nhiên, chả có gì đáng gọi là
“không tôn trọng”. Tuy chả hợp, thậm chí kêu giời rằng “Thảo điên rồi”, nhưng vài lần Liệu
phải bảo vệ con người lập dị ấy khỏi những ý định “cải tạo lão giáo sư tư sản”.
Điện Biên thắng lớn. Cục diện kháng chiến thay đổi hẳn. Tháng 9 năm 1954, Ban Văn
Sử Địa (đổi tên rồi) chuyển từ Tân Trào về Đại Từ, Thái Nguyên. Chiếc bè chở họ bị đắm,
sách báo trôi lềnh bềnh. Vũ Ngọc Phan chết thốt khi nghĩ tới tập bản thảo cuốn Tục ngữ dân
ca Việt Nam sưu tầm, biên soạn bao năm trời. May là cuối dòng có bè mảng của cơ quan
khác cũng đang chuyển về xuôi, họ lội ra vớt lên cho. Kiểm lại thì sách báo, bản thảo, lai cảo
không mất tí gì. Cuộc hong phơi sách trên bờ thật vui, về tới Ký Phú, Đại Từ càng vui vì có
Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang nhập bọn, dù là tàm tạm thôi.
Hoạt động của Ban Sử Địa Văn dần dần có đà. Vất vả, nhưng cái cảm giác làm người
thừa không còn, Liệu thấy hứng khởi hơn khi được giao việc khác: trở lại mặt trận, tham gia
Việt Hoa hội… Cuối cuộc kháng chiến, sự biến chuyển của thời thế, theo sau là vận mệnh
ngày càng xấu của Sửu tạo nên tâm trạng chộn rộn, dấm dứt. Dù thế nào, thân phận bên
ngoài của Liệu đã thay đổi hẳn. Ông được gọi vào một đoàn thăm mấy nước xã hội chủ
nghĩa mới, rồi về Hà Nội ở nhà riêng, làm việc phòng riêng, sau đó có ô tô riêng. Lắm cái
“được” quá…