Page 142 - Trần Huy Liệu Cõi Đời
P. 142
Nhưng Nguyễn Xuân Bích, cậu sinh viên trường Y, con trai ông Ngọc, lại là cơ sở từ
trước tháng 8 năm 1945 của Trần Quốc Hương, người hay hoạt động trong thanh niên học
sinh, trí thức. Vả chăng đây là gia đình “nghiêng” về chữ nghĩa, trí thức hơn là quan lại.
Ngày ra trụ sở ngoài phố, tối về biệt thự Hoa Hồng, ông Bộ trưởng Thông tin - Tuyên
truyền ngày càng để ý đến Sửu, bà chị của Bích. Dường như đây là một hình ảnh ông, cũng
như nhiều chàng học sinh, từng biết tới, nghĩ tới, khi cô bé Sửu đứng bán hàng trong hiệu
sách Đông Hưng Long thư quán của cha ở 49 - 51 Hàng Đường. Trắng trẻo, đẹp một cách
buồn bã, người đàn bà hai con có lối chăm sóc khách ý nhị. Những cán bộ Việt Minh quen tù
đày hơn ở nhà, giờ được hưởng cốc nước gừng, bát lục tàu xá giữa đêm đông, đều cảm thấy
ấm lòng. Càng lặng lẽ, bà càng gây sự tò mò. Một buổi tối, Liệu giữ Sửu lại, sau những cảm
ơn thông thường là lời thăm hỏi gia cảnh. Cảm thấy tin cậy, Sửu kể về những trớ trêu đã trải
qua. Không được học nhiều, vào loại “con nhà” bị cấm đọc Truyện Kiều, nhưng hầu bố đèn
sách bấy nhiêu năm, bà có vốn văn hóa không nhỏ.
Dần dà, sự khép nép gia giáo và nỗi sợ “quan cách mạng” nhường chỗ cho thân tình, tin
tưởng. Ban ngày, giữa bộn bề, Liệu bắt gặp mình nghĩ về người đàn bà đã hai con, chị ta
đang làm gì nhỉ, có nghĩ gì đến mình… Những câu chuyện với Sửu làm Liệu thay đổi nhiều
suy nghĩ. Chẳng hạn, bố chồng bà, đã làm đến Thượng thư, lại sinh hoạt rất đạm bạc, thanh
bần kiểu nhà nho. Ông bố đẻ, dù say mê với văn hóa dân gian nhưng sành rượu tây như
sành hát ả đào, vang mua về cả thùng. Liệu ngạc nhiên khi biết ông đốc Ngọc, cùng anh ruột
Nguyễn Quang Oánh và ông Đỗ Thận là những người đầu tiên đưa chèo, cái thứ hát quê
kệch trong làng quê lên diễn trên sân khấu hộp Hà Thành.
Gia cảnh của Sửu đang điêu tàn theo phận riêng của bà. Mươi lăm năm trước, Phạm
Quỳnh và Nguyễn Văn Ngọc, cùng quê Hải Dương, đồng môn trường Bưởi rồi trường Hậu
Bổ, đã gả con cho nhau. Sau thời kỳ làm báo Nam Phong lừng lẫy, muốn dựa vào quan lộ để
thực hành ý hướng xã hội, ông Quỳnh vào Huế làm Thượng thư bộ Học rồi bộ Lại. Rồi chồng
Sửu mê người đàn bà khác, không đẹp bằng nhưng đi xe đạp, uốn tóc. Năm 1943, sau đám
ma bố, Sửu đưa hai con trai ra Hà Nội, vừa gần gũi họ hàng vừa trông mấy cậu em đang tuổi