Page 70 - Trần Huy Liệu Cõi Đời
P. 70
Nhưng khám Lớn có cái hay, là chỗ để bồi bổ sự học. Liệu rất tự tin khi dùng tiếng Việt
và chữ nho, nhưng lỗ mỗ về tiếng Tây. Vào khám thiếu tự do mà anh không phát điên, có lẽ
vì nhờ cái đức “mọt sách bẩm sinh”.
Vào Nam Kỳ, xứ thuộc địa Pháp, sinh sống, thực hành chí hướng đều bằng chữ nghĩa,
Liệu thấy có quá nhiều thứ mình còn thiếu. Thực dân sang đây đô hộ người Việt, đặt chế độ
cai trị tàn ác khiến anh căm thù. Nhưng nước Pháp - với tư tưởng “Tự do - Bình đẳng - Bác
ái”, những nhà triết học của thế kỷ Ánh Sáng - hấp dẫn anh. Trước đó, những “tinh thần
pháp luật”, khế ước xã hội”, rồi nay là “Tư bản luận”, “Lịch sử tiến hóa nhân loại”, “Lịch sử
tư tưởng thế giới”… anh đã đọc qua tiếng Hoa của Thương vụ ấn quán Thượng Hải. Nhưng
chỉ là ông đồ non mà làm báo ở Nam Kỳ thì thiếu hụt quá.
Thời làm chủ bút Đông Pháp thời báo , Liệu lấy tin khá nhiều ở báo chữ Tây. Trước khi
đưa người biết dịch, anh hay tò mò “điểm” những từ quan trọng, đoán nội dung tin, hễ khớp
với bản dịch mà thấy mình mò đúng thì khoái chí lắm. Liệu nhất định phải học tiếng Pháp.
Không hệ thống cũng được. Nhưng lúc thì “cày” một nghìn ba trăm chữ về đám tang Phan
Chu Trinh, lúc vợ đòi sữa cho con, đành chịu. Có ai ngờ được tập trung để học mà cũng khó
thế.
“Dịp tập trung” ấy là sáu tháng khám Lớn ô ng Arnoux dành cho. Thày dạy có thừa. Bạn
tù giỏi tiếng Pháp rất nhiều, dư thời gian và sẵn sàng bảo học, có khi hai ông thầy cãi nhau
trước mặt trò.
Khó hơn là tài liệu. Sách vở giáo trình thì Tây cấm ngặt. Đành gom nhặt những mẩu báo
gói đồ tiếp tế, “nghiên cứu” rồi đem hỏi, có khi “nghiên cứu” cả trong hố xí. Bên ngoài, Tý rất
chịu khó gửi cho anh những gói đồ tiếp tế mà báo gói nhiều hơn cá khô, muối lạc.
- Từ này nghĩa là gì?
- Trật tự câu này thế nào?
- Mệnh đề nào là chính?
Cái mạnh của Liệu là kiến thức chính trị, kinh nghiệm sống. Thầy giáo bổ sung nghĩa từ,
giảng văn phạm là anh “thủng”, trước biết ý nghĩa câu văn, sau có thông tin về ngoài đời.