Page 219 - Trần Huy Liệu Cõi Đời
P. 219
Cái chết là sự kiện đặc biệt trong đời người. Có thể vô nghĩa, lại có thể vô vàn ý nghĩa,
thì chả ai tránh nó được nào. Ở tuổi gần bảy mươi, Trần Huy Liệu hẳn phải nghĩ nhiều đến
nó.
Một nhà văn “tổng kết” về ba cách chết thông thường. Một là từ từ, rất từ từ, ròng rã từ
vài tháng đến cả chục năm, đông cứng từng bộ phận, trên thực tế là cái xác sống. Người thân
rất mệt mỏi, đám tang sẽ ít nước mắt vì sự chuẩn bị đã quá kỹ.
Thứ nhì, cách thú vị nhất: là ốm trong một tuần, vợ con được tề tựu, chăm sóc, động
viên, hy vọng rồi thất vọng. Sự ra đi sẽ mát mẻ, người ở lại an lòng vì đã không phụ người
đi. Thứ ba, để lại nuối tiếc, ân hận nhiều nhất: bỗng nhiên đứt phựt.
Ông chọn cách thứ ba, dở dang nhất, đặt người ở lại trước ngổn ngang ứng xử. Ai sẽ
thay mặt cơ quan điều hành đám tang với muôn ngàn rắc rối?
Linh cữu quàn ở trụ sở Mặt trận Tổ quốc trên phố Tràng Thi, tức là nghiêng về tư cách
dành cho nhân sĩ, trí thức. Bà Tý nhất định không cho bà Sửu xuất hiện ở đám tang. Điếu
văn phải đánh giá thế nào đây về con người đã từng trải qua những sự kiện rất lớn, sau này
đốc chứng đa sự?
Cơ quan tổ chức tang lễ là Uỷ ban Khoa học xã hội và Viện Sử cứ rối bời. Ông giáo sư
Phó chủ nhiệm Uỷ ban đến bàn bạc với đôi bên gia đình. Bà Sửu thỉu đi, chấp nhận đề nghị
“không ra Tràng Thi, tránh một sự ồn ào rất có thể xảy ra để giữ gìn uy tín cho anh Liệu”.
Cuối cùng mọi sự cũng xong. Nửa đêm, ông “gặp” lại người đàn bà đã làm trái tim mình loạn
nhịp, đi đến những quyết định trái ý đoàn thể.
Tang lễ “tiến hành trọng thể” như báo chí đưa. Đằng sau là những chuyện không thể
nói ra. Gia đình mỗi người mỗi tâm trạng. Trưởng ban tang lễ Hoàng Văn Hoan, được coi là
“có lập trường thân Trung Quốc”, từ chối đọc điếu văn như lệ định. Thay mặt, lại là một
người cũng chả xuôi chèo mát mái lắm với Liệu…
Trong cuộc đời sáu mươi tám năm, ít nhất Liệu đã bốn lần cảm thấy cái chết lạnh lẽo
thế nào. Chuyến đi biển thời thanh niên với cụ Bùi Trình Khiêm, cú ngã xuống hang yến ở