Page 119 - Trần Huy Liệu Cõi Đời
P. 119
Cái “phương pháp” thi vị hóa ấy rút cho đoạn đường ngắn lại đáo để. Đi mười ngày thì
tới Sơn La, đầu tỉnh có hai cây đào cổ thụ. Chao ôi? Hoa gì mà thắm quá thể…
HẦM TỐI
Tỉnh lỵ Sơn La nằm trong châu Mường La, tiếng Thái nghĩa là “mường Cây lựu”. “Nước
Sơn La, ma Vạn Bú”, chả thế mà công sứ tỉnh Saint Pouloff năm 1933 đã gửi Thống sứ Bắc
Kỳ báo cáo mật, rằng số mạng loại chính trị phạm hung hăng khó trị ở Hỏa Lò Hà Nội lên
đây sẽ do vi trùng sốt rét định đoạt. Trong sáu tháng của năm đó, gần 40 người đã chết, xác
vùi nghĩa trang Gốc ổi dưới chân dốc Chiềng Lề. Sau này, kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật thiết kế
một đài tưởng niệm họ ở đó, thiên nhiên hòa nhập với các mảng khối rất dễ chịu.
Liệu gặp ngay người quen. Công sứ Sơn La là Cousseau, thời Mặt trận Dân chủ làm
trưởng phòng địa chính tỉnh Hà Đông. Báo Đời nay chửi việc trưng thu ruộng đền, ruộng
chùa, cả ruộng hậu tư nhân giao cho Nông phố ngân hàng . Cousseau nhắn muốn gặp riêng
Liệu, phàn nàn sao cũng cộng sản với nhau mà công kích việc nó muốn tập trung ruộng đất
lại cho nhân dân. Liệu nhắn lại là cứ đến tòa soạn làm việc, chả thấy hồi âm gì.
Giờ thì bài đã lật ngược. Nhưng Cousseau ra chiều tử tế, gọi ngay “đồng chí” Trần Huy
Liệu ra, nhăn nhó: “Mấy ông quan lại An Nam bảo tôi là cộng sản, nhưng những đồng chí của
tôi thì lại không nhận tôi là cộng sản. Thế thì tôi biết ăn làm sao, nói làm sao bây giờ”, tiếng
Việt rất sõi. Liệu cười trừ, nhưng nhận sự chỉ định cùng Phi Vân làm đại diện chính trị phạm
trước đương cục.
Cousseau là tay làm việc già dặn. Tổ chức lưới nội gián trong những nhà buôn bán dưới
dốc Chiềng Lề, hắn cũng đồng ý vài thỉnh nguyện của tù. Liệu phô chủ ngục Gabori biển lận,
đánh cắp phần ăn của những kẻ đã khốn cùng rồi, Cousseau bảo đừng chấp. “Lão già ấy
giống lũ kỳ mục kỳ nát ở nông thôn Việt Nam ấy mà”. Và bắt anh em xe nước, kiếm củi cung
cấp cho tòa công sứ, việc khổ sai rất cực nhọc. Gần hết buổi làm, nó đi ô tô đến xem xét, kéo
thêm giờ, bắt tăng chuyến. Kẽo cà kẽo kẹt, đoạn đường từ cầu Bản Giảng lên đồi Chiềng Lề
có biết bao nhiêu mồ hôi, máu tù đổ xuống, đêm nằm nghĩ những leo dốc đổ dốc mà kinh.