Page 300 - Trang Phục Việt Nam
P. 300
Mũ tiến hiền làm bằng vải thâm, đằng trước cao 7 tấc, đằng sau cao 3 tấc, dài 8 tấc, có 5 cầu, quan
nhất phẩm, nhị phẩm đội khi tế lễ và khi hội triều thần.
Mũ điêu thiền giống như mũ tiến hiền nhưng có đính thêm đuôi con điêu thử và chỉ có 2 cầu dành cho
các quan tam phẩm ở các ty và tam phẩm ngự sử đài, quan ngũ phẩm ở hai sảnh, đội khi tế lễ hay khi hội
triều thần.
Mũ giải trãi cũng giống như mũ tiến hiền nhưng có thêm sừng con giải trãi (một giống thú thần bí,
hình giống con dê, có một sừng) và chỉ có 2 cầu, dành cho các quan tứ phẩm, ngũ phẩm, lục phẩm trở
xuống đội khi tế lễ hay khi hội triều thần.
Về thể chế áo, thì cổ áo bẻ, tay áo rộng, dưới có đường lan can ngang, các quan từ tam phẩm trở lên
mặc áo màu tía, tứ ngũ phẩm màu đỏ, lục, thất phẩm màu lục, bát cửu phẩm màu xanh. Thắt đai da, đi hia
da đen, đeo túi ngư đại, thêu hình cá (áo màu tía thì thêu cá vàng, áo các màu khác thì thêu cá bạc). Khi có
việc công, mặc phẩm phục thì đeo túi ấy vào đai, buông về phía sau để phân biệt cấp cao thấp.
[6] Ngoài những vấn đề trang phục của các nhân vật quan trọng như vua, quan văn, quan võ… trong
triều, ở mục này chúng tôi còn giới thiệu những kiểu cách trang phục của những người phục vụ trực tiếp
cho bộ máy triều đình như quân lính, cung nữ, vũ nữ, nhạc công, v.v… Thực ra những lớp người như vũ
nữ, nhạc công… đặt vào phần này có thể chưa thỏa đáng.
[7] Theo Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán, Hà Nội nghìn xưa. Nxb Hà Nội, 1998.
[8] Tượng Kim Cương ở chùa Long Đọi (Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam).
[9] Tượng Kim Cương ở chùa Phật Tích (Tiên Sơn, Bắc Ninh).
[10] Tượng ở chùa Long Đọi.
[11] Như tượng đá đầu người mình chim chùa Phật Tích.
[12] Như ở tượng đá chạm nổi ở thành bậc tháp Chương Dương (Ý Yên, Nam Định), tượng đất nung
chùa Long Đọi (Hà Nam).
[13] Vân kiên: tấm vải trang trí đẹp, có loại có tua, trùm một phần ngực, lưng và vai.
[14] Như hình chạm ở tảng đá kê chân cột chùa Phật Tích (Bắc Ninh).
[15] Theo bản dịch Đại việt sử ký toàn thư. Còn ở bản dịch LTHCLC lại viết: các quan văn võ đều đội
mũ kiểu chữ đinh (tục gọi là mũ nhà Minh). Xét thấy không đúng, vì nhà Minh (TQ) bắt đầu từ 1368, trong
khi mũ chữ đinh đã được nhắc tới ở nước ta trước đó (ít ra là từ 1300), sao lại gọi là mũ nhà Minh được?
Ngoài ra, Vũ trung tùy bút lại có đoạn viết: “Thời Đinh Tiên Hoàng mới chế ra loại mũ tứ phương bình đính,
là mũ hình vuông, đỉnh bằng, làm bằng da… về sau mới biến đổi thành hình lục lăng… và gọi là mũ bình
đính. Rồi lại thay hình vuông thành hình tròn, uốn chỗ thẳng thành cong, làm một loại mũ thông dụng khi
vào triều, gọi là mũ chữ đinh”. Mặt khác, tìm hiểu các loại trang phục Trung Quốc, chúng tôi chưa tìm thấy
có loại mũ nào tên gọi là mũ chữ đinh, nhất là ở thời nhà Minh.
[16] Tụng quan là quan hầu cận vua. Ở sách Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch Nxb Sử học lại
viết là thuộc quan.
[17] Trần Phu tả lại trong An Nam tức sự việc hàng trăm viên quan triều Trần, đi đón tiếp sứ giả, mặc
áo bào, cầm hốt nhưng đều đi chân đất. Có lẽ hình thức này diễn ra là để biểu hiện sự kính trọng, cũng như
người dân đi giày vào cung vua đều cởi giày ra.
[18] Tượng quan hầu, Lăng Trần Hiến Tông (An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh).
[19] Mỗi đô là 80 người. Có sách nói 50 người.
[20] Theo Lịch sử Việt Nam, Tập I và Tăng Bá Hoành, Nghề cổ truyền Hải Hưng, NXB, Sở Khoa học
Công nghệ và Môi trường - Bảo tàng Hải Hưng.