Page 187 - Trang Phục Việt Nam
P. 187
Qua những kiểu cách ăn mặc như trên, ta thấy đang có hiện tượng giao
hòa về trang phục phụ nữ giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt là trang
phục khi không lao động. Đồng thời lại thấy trong hoàn cảnh đất nước đã
thống nhất, người vào Nam, kẻ ra Bắc, do nhiều yêu cầu công tác, thăm
hỏi, buôn bán…, thậm chí nhiều người chuyển cả gia đình vào, ra ở hẳn,
sự giao lưu thuận tiện giữa ba miền đã tạo điều kiện cho sự giao lưu
trang phục phát triển. Bộ quần áo bà ba ngày nay không chỉ phổ biến ở
miền Nam, màu tím Huế đã thấy thấp thoáng ở Hà Nội, ở Thành phố Hồ
Chí Minh, chiếc nón lá làng Chuông, tấm lụa Hà Tây, thổ cẩm Lai Châu đã
đến mọi nơi trên toàn quốc. Đặc biệt chiếc áo dài truyền thống, dù dài, dù
ngắn, tà rộng hay tà hẹp, màu trắng hay vàng, điểm hoa to, nhỏ hay in các
hình ngang, dọc nhiều màu, bằng vải thường hay lụa quí…, ngày nay vẫn là
chiếc áo dài của cả ba miền, bên cạnh những tấm áo dài nâu non đổi vai,
buông vạt hoặc thắt vạt, bên cạnh những tà áo màu tím Huế, những tấm áo
dài cài khuy cổ truyền ở miền Nam thường mặc. Chiếc áo dài của phụ nữ
Việt Nam đã trở thành biểu tượng Việt Nam đối với con mắt của nhân dân
thế giới. Thấy một người phụ nữ mặc áo dài, khách quốc tế nhìn nhận
ngay đây là người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài ấy đã góp phần chứng
minh sự thống nhất giữa ba miền Trung Nam Bắc là thành tựu của sự
sáng tạo độc đáo, của sự đấu tranh bền bỉ giữa cái hay, cái tốt với cái dở,
cái xấu, cái dân tộc chân chính với cái ngoại lai kệch cỡm.
Ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, trang phục đàn bà bao giờ
cũng phong phú hơn trang phục đàn ông. Căn cứ vào đặc điểm trang phục
của phụ nữ một số dân tộc, có thể gọi tên những ngành dân tộc ấy. Ví dụ
như gọi là Mông Trắng vì phụ nữ ngành Mông ấy mặc váy trắng, gọi là
Mông Hoa vì phụ nữ ngành Mông ấy mặc váy có nhiều hoa văn. Hoặc như
gọi là Dao Tiền, vì trên áo, váy… của phụ nữ ngành Dao ấy có những hình
đồng tiền; gọi là Dao Quần Chẹt vì phụ nữ ngành Dao ấy mặc quần ống
bó, v.v… Nhìn chung, phụ nữ vẫn là những người có công bảo tồn các mẫu
áo quần truyền thống và không ngừng phát huy để làm cho chúng thêm
phong phú. Trong từng giai đoạn, có những xu hướng, thị hiếu lệch lạc
đáng kể, nhưng rồi cái gốc cơ bản vẫn còn giữ được.
TRANG PHỤC ĐÀN ÔNG