Page 152 - Trần Huy Liệu Cõi Đời
P. 152
Hai ông cháu lồm cồm bò lên bờ ao, vớ túi dết chạy chối chết. Chạy một lèo hai cây số
mới dừng lại gỡ đỉa. Lên đến đỉnh đèo Kháng Nhật, thầy trò chưa qua cơn thất sắc. Tuy thế
việc đầu tiên là phải xem chiếc đài có sao không. May, nó vẫn ọ ẹ, có điều lọ thịt mặn vỡ,
ngấm nhoe nhoét quyển nhật ký.
Buổi tối, đám buôn chuyến đang gặm sắn ngỡ ngàng nhìn Liệu và Nghiêm bước vào.
- Chúng tôi đã thắp hương cúng vong hồn ông với chú… - Một bà xuýt xoa. - Thôi thế là
vợ con ông không mất người rồi.
- Có làm sao thì hai bà phải làm giỗ ông cháu hôm nay. May không sao…
Nghiêm không hề bông phèng, lầu bầu xin điếu thuốc lào dịt chỗ đỉa cắn. Loay hoay lo
xong nồi cơm, anh quay ra thấy ông đã ngủ như đứa trẻ.
Bữa cơm sau hồi hút chết rất ngon. Nghiêm ngạc nhiên thấy ông mình không nhắc gì
đến làn đạn sáng nay, cứ như đã không xảy chuyện gì.
“Đây là lần chết hụt thứ hai của mình sau cú ngã ở Hòn Cau…”. Thực ra, Liệu đã nghĩ
ngợi rất nhiều tử thần đã sờ đến, phả hơi lạnh ngắt vào gáy. Ông đã thoát khỏi tay nó, có lý
gì lại không vượt được những trắc trở đang gặp…
Quả là bước sang tuổi “tri thiên mệnh”, cuộc đời Trần Huy Liệu lại gặp những vấn đề
mới, gọi là “nhỏ” hay “lớn” đều được. Nó làm ông phải lựa chọn một cách thẳng băng, nghiệt
ngã, như trước đây, khi ông đứng giữa cảnh bần nho và đi Nam lập nghiệp, hay giữa hai lập
trường Quốc dân đảng và Cộng sản.
Năm 1946, lập trường chính trị cứng rắn “đối với thằng Pháp chỉ có đánh” của ông
không phù hợp với chủ trương tìm kiếm hòa bình, gây dựng lực lượng, chuẩn bị kháng
chiến của lãnh tụ. Với tầm nhìn lịch lãm của người đã ra ngoài biên giới nhỏ hẹp của đất
nước, trong Hiệp định Sơ bộ, Hồ Chí Minh chấp nhận “Việt Nam là một quốc gia có chủ
quyền nằm trong Liên hiệp Pháp”. Cụ Hồ quý, và tin Liệu, dù ông không phải dân “cộng sản
gốc”.