Page 36 - Trang Phục Việt Nam
P. 36
tóc và buộc diềm hoa trên đầu, gợi lại nét trang điểm ở tượng người phụ
nữ trên cán dao găm, trên chuôi kiếm ngắn từ thời Hùng Vương, hoặc các
võ tướng còn đính nhiều quả nhạc trên áo giáp… biểu hiện ý thức “nhớ
nguồn”, chứng minh tinh thần tiếp nối và phát huy truyền thống.
Điểm qua một số kiểu thức trang phục thời Lý, ta thấy nổi lên những nét
chắc khỏe, tinh tế của các bộ võ phục tượng Kim Cương, những nếp áo
mềm mại trên thân tượng A Di Đà, những dải lụa quanh cánh tay của các
vũ nữ như được gió thổi đang nhẹ nhàng bay lên… làm đẹp thêm những
đường nét đầy sức sống trên cơ thể con người. Tất cả toát ra tinh thần yêu
tự do, yêu cuộc sống thái bình của người dân đang làm chủ đất nước. Tất
cả đã bắt nguồn từ cơ sở thẩm mỹ của những con người đang sống trong
một xã hội mà lời thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường Kiệt
còn vang vọng khắp non sông, đồng thời cũng chính trong xã hội ấy “nhân
dân quá một nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa”, con người
đã thấm thía nỗi đau mất nước, càng thêm yêu thương đất nước, gắn bó
với thiên nhiên, luôn gắng làm điều thiện, nhưng cũng biết dùng tinh thần và
sức mạnh để nói với lũ giặc nếu chúng sang xâm phạm: “Chúng bay sẽ bị
đánh tơi bời!”.
Ở thời Lý, những hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục hay trên các
chủng di vật khác còn mang nhiều ý nghĩa tượng trưng: chẳng hạn những
hình xoắn ốc đôi, chính là ký hiệu mây mưa mà ông cha ta vẫn cầu mong
sao cho thuận hòa, mùa màng tươi tốt, cũng như hình tượng con rồng thời
Lý là “rồng rắn” - một đồ án trang trí đẹp và độc đáo - tượng trưng cho
nguồn gốc lịch sử dân tộc, vòng uốn lượn mềm mại của thân rồng là ẩn dụ
về nguồn nước, mây mưa, niềm mơ ước của cư dân lúa nước.
Có thể nói trang phục, hoa văn, họa tiết thời Lý đã phản ánh khá rõ nét
một tương quan thống nhất trong đời sống kinh tế, quân sự, văn hóa
đương thời.