Page 250 - Trang Phục Việt Nam
P. 250
Trang phục của người Việt đã có sự chọn lọc về hình dáng, kiểu thức,
màu sắc, chất liệu, hoa văn trang trí. Thậm chí, trang phục của người Việt
cổ ở Làng Vạc, vào thời dựng nước còn có những thanh âm của đồng
thau hoặc bạc (xà tích). Tiếng sột soạt của bộ áo váy mới cũng là sự dụng
tâm thích thú của người mặc, vào đầu thế kỷ XX. Tầng lớp giàu sang, quí
phái biết sử dụng các loại hương liệu quí để ướp quần áo. Nhân dân thì
thường dùng hạt mùi khi bọc áo khăn; lá mùi, lá sả… để gội đầu; hoa
bưởi, hoa nhài… để cài tóc, việc chọn lựa các chất để nhuộm màu cũng
tạo cho áo quần những hương vị nhất định.
Trang phục người Việt còn có giá trị sử liệu mà các nhà sử học gọi là
niên đại tương đối. Việc đoán định niên đại tuyệt đối của trang phục người
Việt là chuyên môn hẹp và sâu của rất ít nhà nghiên cứu. Tính đa dạng của
trang phục người Việt thể hiện rõ nhất qua từng địa phương. Có khi tính
da dạng này hoàn toàn do kỹ thuật.
Từ khi giành lại được quyền độc lập, tự chủ vào thế kỷ X, các vương
triều phong kiến đã lưu ý đến một sự thống nhất trong tính đa dạng, bằng
những qui chế, thể lệ. Trang phục thể hiện tôn ti, trận tự phong kiến, ngăn
cấm mọi sự vi phạm. Ngày nay, trang phục của Quân đội Nhân dân đã
“vượt khung” khỏi phạm vi của một tộc người cụ thể, trở thành bộ trang
phục có tính quốc gia.
Trang phục cũng là một hiện tượng văn hóa, văn hóa “mặc”. Bên cạnh
nghề trồng lúa nước (văn minh lúa nước), nghề trồng dâu, nuôi tằm là một
hoạt động sản xuất cơ bản trong đời sống của xã hội người Việt.
Dân tộc Việt có câu “Đói cho sạch, rách cho thơm”, vừa là để nhắc nhở
những yêu cầu cụ thể trong cung cách ăn mặc, nhưng đồng thời còn có
mục đích giáo dục một phẩm chất thanh cao, một nếp sống đạo đức…
Chúng ta không hẹp hòi, bảo thủ trước sự phát triển, thay đổi các kiểu
cách trang phục, nhất là trong thanh niên, nhưng không vì thế mà công nhận
những hiện tượng ăn mặc đua đòi, chạy theo “mốt” lố lăng, phô trương, xa
hoa, lãng phí… xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời,
cũng cần phản đối những quan điểm cho rằng nền kinh tế của ta chưa phát
triển cao, nên có thể ăn mặc tùy tiện, cẩu thả, thiếu thẩm mỹ…, làm giảm
giá trị cao đẹp của con người.