Page 166 - Trang Phục Việt Nam
P. 166
Thời kỳ này, trẻ sơ sinh có mũ thóp, thường làm bằng các loại vải nhẹ,
mềm, đẹp, khâu thành hình tròn ống bề ngang khoảng 3-4cm, đội vào đầu
đứa trẻ để bảo vệ thóp. Về sau, có các loại yếm dãi hình tròn, hình bầu
dục…
Trẻ ba bốn tuổi, con trai mặc áo cánh ngắn buộc dây bên cạnh (thay cúc).
Quần liền yếm, ở cổ yếm có hai dải nhỏ buộc ra sau gáy, còn hai dải bên
cạnh buộc ra sau lưng. Thường là quần khoét đũng. Con gái mặc váy liền
yếm cũng có dải buộc như quần con trai. Loại váy, quần liền yếm có tác
dụng che bụng, che ngực, khi trời nóng không cần mặc áo nữa.
Tóc con trai thường để hai bên hai mảng tóc (gọi là trái đào), một mảng
dài hơn ở giữa đỉnh đầu chải ra sau (gọi là chỏm hoa roi). Tóc con gái để
một mảng ở chỗ thóp (gọi là cút trước), một mảng ở phía sau đầu để dài
đến gáy (gọi là cút sau).
Trẻ em được đeo các vòng tay, vòng chân, vòng cổ, khánh bằng bạc, có
gắn quả nhạc, khánh thường khắc chữ “mệnh” hay bốn chữ “trường sinh
bản mệnh”; vòng cổ có thể đeo thêm móng hổ vừa để trang sức vừa có ý
nghĩa giữ “vía”, “kỵ độc” cho trẻ.
Lên bảy, lên tám tuổi, em gái đã mặc yếm, áo cánh ngắn, ngoài mặc áo
dài bốn thân màu nâu hay đen. Thắt lưng buông dải phía trước. Mặc váy
hoặc quần thâm. Đầu vấn khăn, tuy tóc không có bao nhiêu, chít khăn
vuông. Mùa rét mặc thêm chiếc áo bằng loại vải thô mở ngực, không dùng
cúc mà có dây nhỏ buộc hai vạt vào với nhau khi cần thiết. Chân đi dép da
hay guốc gỗ. Đeo khuyên (mấm) bạc.
Em trai thường mặc áo cánh và quần trắng. Đi đâu cũng mặc áo dài the
thâm hoặc vải trắng. Cắt tóc ngắn, cũng có khi đội khăn xếp. Đi guốc gỗ,
hoặc đi chân đất. Có em đi giày Gia Định. Ở tuổi này, nhiều em vẫn còn để
tóc trái đào hoặc để cút, thường là con nhà nghèo.