Page 10 - Trang Phục Việt Nam
P. 10

Thời Hùng Vương
           TRANG PHỤC ĐÀN BÀ, ĐÀN ÔNG
       Cách đây hàng ngàn năm, vào thời đại đồng thau phát triển, nước Việt
  Nam có tên gọi là Văn Lang. Người dân ở đây đã sinh sống bằng săn
  bắn, hái lượm và trồng trọt (lúa, khoai, cây ăn quả…) Họ không dùng vỏ
  cây làm áo nữa mà đã biết trồng gai, đay, dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt vải.
       Trống đồng và nhiều tượng, phù điêu bằng đồng có khắc họa những
  cảnh sinh hoạt thời đó, với những hình người, cho thấy các loại trang phục
  được thể hiện bằng phong cách nghệ thuật trừu tượng hóa và cách điệu
  cao: những hình người trên mặt trống đồng, tượng hai người cõng nhau,
  tượng người trên chiếc ấm, tượng người thổi khèn; cách trang sức, búi
  tóc,  chít  khăn  như  của  tượng  người  đàn  bà  ở  chuôi  dao  găm,  chuôi
  kiếm…
       Những cơ sở trên đây ít nhiều cho thấy trang phục của người cổ xưa đã
  khá  phong  phú.  Phụ  nữ  mặc  áo  ngắn  đến  bụng,  xẻ  ngực,  bó  sát  vào
  người, phía trong mặc yếm kín ngực. Chiếc yếm cổ tròn sát cổ, có trang trí
  những hình chấm hạt gạo. Cũng có những loại áo cánh ngắn, cổ vuông, để
  hở một phần vai và ngực, hoặc kín ngực, hở một phần vai và trên lưng. Hai
  loại sau có khả năng là những áo chui đầu hoặc cài khuy bên trái. Trên áo
  đều có hoa văn trang trí. Thắt lưng có 3 hàng chấm trang trí cách đều nhau
  quấn ngang bụng làm cho thân hình thêm tròn lẳn. Đầu và cuối thắt lưng thả
  xuống phía trước và sau thân người, tận cùng có những tua rủ. Váy kín bó
  sát vào thân, với mô típ trang trí chấm tròn, những đường gạch chéo song
  song và hai vòng tròn có chấm ở giữa.
   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15