Page 131 - Trang Phục Việt Nam
P. 131
TRANG PHỤC NHÂN DÂN
Đối với dân chúng, năm trị vì thứ 5 (1806), vua Gia Long qui định cho các
hạng thứ dân dùng phong cân (một loại khăn chít đầu) màu đen, không
được trang sức gì, áo cổ chéo màu đen, hài, tất đều màu đen.
Năm 1838, vua Minh Mạng ra chỉ dụ: đầy tớ trong các nhà quyền quí nơi
vương phủ hay quan lại đều không được mặc sang, chỉ được mặc như
dân chúng.
Những người làm ca nhạc, chèo hát, cho phép đội mũ trang trí hình giao
long và hoa, áo bào dùng màu đỏ hoặc các màu sặc sỡ, họa tiết mây,
giao long, duy không được trang sức mũ rồng và áo bào vàng.
Nếu xảy ra sai trái thì người vi phạm cũng như các quan cai quản địa
phương, tổng lý, sở tại, nhà chủ… đều bị nghiêm phạt bằng nhiều hình
thức (như đánh hàng trăm roi, bãi chức, đóng gông bêu diếu, v.v…).
Đặc biệt, kể từ Minh Mạng năm thứ 8 (1827) cho đến Minh Mạng năm
thứ 18 (1837), trong vòng 10 năm, vua Minh Mạng đã 4 lần ra chỉ dụ bắt
nhân dân miền Bắc phải thay đổi trang phục theo kiểu của nhân dân từ
Quảng Bình trở vào Nam, với lý do: “nhà nước ta, cõi đất hợp làm một, văn
hóa cùng nhau” nên phải thống nhất ăn mặc để nêu ý nghĩa “vâng theo văn
hóa”, “vâng theo phép vua”. Lời dụ lúc thì cứng rắn: “Nếu không chịu thay
đổi, khi phát giác ra sẽ khép vào tội trái qui chế”, lúc thì ôn hòa “thiết tha
xuống lời dụ này”, lúc thì rất thông cảm với tình trạng “dân gian nghèo giàu
không đều… tất nên rộng hạn cho ngày tháng”… Thậm chí sẵn sàng
nghiêm trị “nha lại viên dịch nào nhân việc này hống hách, gây phiền hà tệ
hại” đối với dân… Lúc thì kích động: “Người miền Bắc con trai đóng khố,
đàn bà thì trên mặc áo giao lĩnh, dưới mặc váy (so với ở miền Nam áo
quần chỉnh tề…) đẹp xấu chẳng rõ rệt dễ thấy ư?”… Nhưng sau 10 năm,
kết quả vẫn không đạt được như mong muốn, nhà vua quyết định “sang
năm mới (1838), nếu vẫn còn theo thói cũ không đổi, tức thì trị tội nặng”.
Đối phó lại, nhân dân miền Bắc vẫn cứ ỳ ra, với câu ca dao châm biếm
bất tuân thượng lệnh:
Tháng tám có chiếu vua ra