Xây dựng bộ sưu tập số địa chí Bình Thuận

Từ khi thành lập đến nay, Thư viện tỉnh Bình Thuận ngày càng được củng cố và phát triển, thu hút đông đảo người đọc đến sử dụng. Thư viện đã từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp, quản lý tài liệu và quản lý người đọc; tổ chức các dịch vụ tra cứu, khai thác thông tin trong và ngoài Thư viện.

Hiện nay, Thư viện tỉnh Bình Thuận đang lưu giữ một số lượng khá lớn tài liệu địa chí của tỉnh nhà. Đã từ lâu, nguồn tài liệu này vẫn chưa được nhiều người tiếp cận và sử dụng do phần lớn vẫn chưa quảng bá và mang tính khép kín. Vì vậy công tác xây dựng các bộ sưu tập số nguồn tài liệu địa chí tại thư viện tỉnh Bình Thuận đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới phương thức phục vụ, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của người đọc. Các tài liệu từng bước được số hóa làm đa dạng thêm nguồn lực thông tin tiến tới thư viện số song song với thư viện truyền thống.

 Bộ sưu tập số tài liệu địa chí đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả trong quá trình sử dụng, là lựa chọn tối ưu để bảo tồn lâu dài các tài liệu quý hiếm, ngăn chặn những rủi ro hủy hoại do thời gian, thiên tai, khí hậu và tần suất sử dụng. Giúp cho độc giả tiếp cận với tài liệu địa chí ngày càng nhiều hơn, nhất là đối tượng độc giả là cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh về các nhu cầu thông tin kinh tế – xã hội. Đặc biệt là cán bộ nghiên cứu chuyên ngành, sinh viên có nhu cầu tìm hiểu về con người, di tích lịch sử văn hóa, các văn kiện về Đảng bộ Bình Thuận…

Giao diện trình bày tài liệu số hóa Địa chí Bình Thuận

Với việc xây dựng thư mục và bộ sưu tập số tài liệu địa chí, thư viện tỉnh Bình Thuận ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, phục vụ nghiên cứu khoa học, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh nhà. Trong hiện tại và hướng tới tương lai Thư viện tỉnh Bình Thuận sẽ làm tốt công tác xây dựng kho địa chí, góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống địa phương.

Thanh Hằng – Thư viện tỉnh

Views: 3