Tuyển tập những tác phẩm có giá trị rất riêng của nhà văn Sơn Nam với biệt danh “ông già đi bộ”

Sơn Nam (1926 – 2008) tên thật là Phạm Minh Tài, sinh ở Kiên Giang. Gia đình ông vốn từ Cù lao Ông Chưởng (Long Xuyên) đến lập nghiệp ở ven rừng Cà Mau. Tuổi thơ của ông tắm mình trong hương sắc của rừng U Minh với muôn vàn cỏ cây hoa lá, chim muông. Đó chính là vốn sống đầu tiên, khởi nguồn cho cảm hứng sáng tác của ông sau này.
Là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nổi tiếng. Có thể nói, suốt đời theo nghiệp viết, Sơn Nam chỉ đeo đuổi một đề tài: Tìm hiểu, khảo cứu và ghi chép lại ký ức khẩn hoang của người miền Nam, để qua đó tìm ra giá trị văn hóa cốt lõi con người và vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Điều này đã làm nên giá trị rất riêng ở nhà văn.
Góc Sách xin giới thiệu đến bạn đọc Tuyển tập những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam:

1. Đất Gia Định xưa, Bến Nghé xưa, người Sài Gòn:

Đất Gia Định xưa, Bến Nghé xưa, người Sài Gòn
Tập sách là tập hợp của 3 tác phẩm đã xuất bản: Đất Gia Định xưa, Bến Nghé xưa, Người Sài Gòn. Thông qua tập sách, người đọc sẽ có điều kiện để hiểu biết thêm về vùng đất gọi là Gia Định xưa (cụ thể là cả Nam Bộ), từ đó hiểu thêm sự hình thành của Bến Nghé (vùng đất Sài Gòn, Gia Định nay là Thành phố Hồ Chí Minh) và tính cách của người Sài Gòn – gần như là đại diện tính cách của người Nam Bộ trong quá trình phát triền, xây dựng từ khi mở đất đến nay.

2. Chuyện xưa tích cũ:

Chuyện xưa tích cũ
Tập sách được nhà văn Sơn Nam công bố với tư cách là người sưu tầm và viết lại. Những câu chuyện ta gặp ở đây thật quen thuộc như đã từng nghe kể đâu đó qua sách vở hoặc qua truyền miệng, được phổ biến chủ yếu ở vùng đất phương Nam như: Cây kỳ nam, Hoa thủy tiên, Tích về cái yên ngựa, Đôi sam, Cọp được phong thần, Tích núi Bà đen ở Tây Ninh, Bài thơ chợ quán,…

3. Giới thiệu Sài Gòn xưa. Ấn tượng 300 năm. Tiếp cận với đồng bằng song Cửu Long:

Giới thiệu Sài Gòn xưa. Ấn tượng 300 năm. Tiếp cận với đồng bằng song Cửu Long
Tập Bút ký của nhà văn Sơn Nam được xuất bản nhân dịp nhà văn Sơn Nam qua đời được thất tuần như một nén hương nhỏ tưởng nhớ nhà văn lớn- người khởi đi từ vùng rừng U Minh, Rạch giá đã dành hết cuộc đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu và viết về đất và người Nam Bộ, người đã từ chang đước nhỏ trở thành cây đại thụ trong lòng bạn đọc gần xa.

4. Theo chân người tình. Một mảnh tình riêng:

Theo chân người tình. Một mảnh tình riêng
Theo Chân Người Tình là chuyện kể về chuyến đi làm cố vấn cho đoàn làm phim “L’Amant” (Người tình) với đạo diễn Jean Jacque Annaud năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX ở các tỉnh Nam Bộ. Không chỉ là kể chuyện đi làm phim mà tác giả còn đưa người đọc đến với thế giới của những kỷ niệm thời niên thiếu của nhà văn Maguerite Duras – người đã từng một thời sống ở Nam Bộ.
Một Mảnh Tình Riêng là một hồi ức không liền mạch về 50 năm sống và viết ở Sài Gòn của tác giả. Tác phẩm giúp bạn đọc hiểu hơn về con người và vùng đất mà tác giả đã đi qua trong phần lớn cuộc đời mình.

5. Dạo chơi. Tuổi già:

Dạo chơi. Tuổi già
Những chuyến đi ở tuổi già như là một cuộc dạo chơi dài không ít thú vị mà cũng nhiều suy ngẫm. Những vùng đất ông đặt chân đến mới lạ mà thân quen, gần gũi biết bao. Đó là nơi chốn quê nhà trong hằng tưởng của người đi mở đất xa xưa. Với ông còn là sự kiểm nghiệm những điều được đọc, được nghe qua sách vở, qua giao cứu tìm tòi, học hỏi. Ông già đi bộ không mệt mỏi Sơn Nam đã ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình về đấ và người nơi mình từng qua, từng biết, tùng thấy, từng nghe.

6. Hương quê, tình nghĩa giáo khoa thư và các truyện khác:

Hương quê, tình nghĩa giáo khoa thư và các truyện khác
Tập gồm các truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam đã từng đăng trên tạp chí Hương Quê trước đây, cùng với các tác phẩm rải rác trên các báo, tạp chí khác. Lấy bối cảnh miền Tây Nam bộ nửa đầu thế kỷ 20, những câu chuyện của ông vẽ lên khung cảnh sông nước trữ tình, với những con người chân chất nhưng không kém phần thú vị.
Sách đang có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận, 286 Trần Hưng Đạo, TP. Phan Thiết
 

Nguồn tin: Phòng Xử Lý Tài Liệu – Thư Viện Tỉnh Bình Thuận

Views: 36840