Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân
Với khát vọng tìm đường giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin như một tiền định và nhận thấy đây là con đường đúng đắn nhất đem lại độc lập, tự do cho nước nhà. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Song, quan trọng hơn là bản chất của nhà nước đó phải là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; phải đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Xuất phát từ tư tưởng đó, cùng với tích cực gây dựng, thúc đẩy phong trào cách mạng trong nước phát triển, Nguyễn Ái Quốc đã dày công nghiên cứu các loại hình nhà nước, nhất là những kiểu nhà nước đương thời, như: Nhà nước dân chủ tư sản của Mỹ, Pháp và Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô. Khi thời cơ giành độc lập xuất hiện, Hồ Chí Minh về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Tháng 5/1941, dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương 8 đã đề ra sự chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược và nhiệm vụ xây dựng lực lượng rộng khắp chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa; đặc biệt, Hội nghị đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm tập hợp lực lượng cách mạng rộng rãi. Trong đó, phần Chương trình Việt Minh đã chỉ rõ: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một Chính phủ Nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc. Chính phủ ấy do Quốc dân đại hội cử ra sẽ thi hành những nhiệm vụ…”. Chủ trương đó, đã đáp ứng khát vọng cháy bỏng của các tầng lớp nhân dân về quyền được sống trong một đất nước độc lập, tự do, dân chủ, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, phong trào Việt Minh được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ, phát triển rộng khắp. Ngày 04/6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập với gần một triệu dân, có các ủy ban nhân dân do dân bầu và thực thi 10 chính sách lớn của Việt Minh. Sau khi lệnh Tổng khởi nghĩa vừa phát đi (chiều 16/8/1945), tại Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang, Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc Quốc dân Đại hội Tân Trào. Tham dự Đại hội có đại biểu của cả ba miền Bắc – Trung – Nam và các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và Việt kiều một số nước. Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ cách mạng lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đây là nét sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc. Quốc dân Đại hội đã thông qua quyết sách và bầu ra Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam để “lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập”, đặt cơ sở mang tính pháp lý cho một chế độ mới của dân, do dân và vì dân sắp ra đời.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện; trong đó, có nhiệm vụ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Theo đó, tất cả công dân trai, gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”, làm cho Nhà nước ta trở thành Nhà nước dân chủ, hợp hiến. Cùng với đó, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34 thành lập Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên, do Người làm Trưởng ban. Mặc dù trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài, khó khăn chồng chất, nhưng Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được tổ chức thắng lợi vào ngày 06/01/1946 và trong Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chính thức thông qua bản Dự thảo Hiến pháp. Như vậy, cơ sở đầu tiên của một Nhà nước dân chủ và pháp quyền đã được giải quyết chặt chẽ, công khai, minh bạch, thể hiện một trình độ dân chủ, tự do không thua kém bất cứ một quốc gia có truyền thống dân chủ nào trên thế giới. Điều đó càng được thể hiện rõ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái” và khẳng định: “Nhà nước của ta thành lập sau Cách mạng Tháng Tám đã là Nhà nước dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo”, “Liên minh công nông là nền tảng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Như vậy, bản chất Nhà nước do Người dày công xây dựng là sự kết hợp hài hòa giữa tính giai cấp với tính dân tộc. Cơ sở xã hội của Nhà nước ta không bó hẹp trong phạm vi một giai cấp, tầng lớp, mà là toàn thể dân tộc.
Theo Hồ Chí Minh, dân chủ tức là “dân làm chủ”; “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do Nhân dân làm chủ”. Người giải thích “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”. Nhân dân nắm giữ mọi quyền lực, thông qua việc bầu Quốc hội và Chính phủ để thực hiện quyền lực của mình bằng hình thức dân chủ trực tiếp và đại diện. Vì vậy, Nhà nước đó là Nhà nước của dân. Nhà nước do Nhân dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình và ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để duy trì sự hoạt động; đồng thời, kiểm soát, giám sát người mình bầu ra và bãi miễn khi họ không làm tròn sự ủy thác, đại diện, cho nên đó là Nhà nước do dân. Nhà nước đó là Nhà nước vì dân, bởi “Cách mạng Tháng Tám thành công, ta lập ra Chính phủ mới, quân đội, công an, tòa án, pháp luật mới của Nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân”, “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người”. Tuy nhiên, để Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân, theo Người cần phải thường xuyên xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân, được thể chế hóa thành các quy định mang tính pháp quyền và nguyên tắc tổ chức, vận hành của Nhà nước. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho tất cả các cơ quan nhà nước “phải dựa vào Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của Nhân dân”, không ngừng nâng cao năng lực của các cơ quan đại diện quyền lực và cán bộ được ủy quyền để xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch hết lòng phục vụ Nhân dân; kiên quyết loại trừ những kẻ quan liêu, thoái hóa, biến chất, những kẻ miệng nói dân chủ nhưng làm việc theo lối quan chủ và “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Là nhà chính trị lỗi lạc, am hiểu sâu sắc các tư tưởng đức trị, pháp trị và các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới, Hồ Chí Minh đã khéo léo kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp luật với đạo đức trong quản lý nhà nước và xã hội. Vì vậy, trong khi đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, Người đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho toàn dân, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức. Người yêu cầu các cán bộ, công chức phải thường xuyên rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi đạo đức cách mạng và làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân về các chủ trương, chính sách, hiến pháp, pháp luật, quyền và nghĩa vụ của Nhân dân, nhất là gương mẫu trong thực hiện để Nhân dân noi theo. Mặt khác, Người cũng động viên Nhân dân, với địa vị người chủ, cũng cần tích cực “giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình” để Chính phủ làm tròn nhiệm vụ của mình, “phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể” để tiến bộ hơn nữa.
Có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay, khi mà nhiều “căn bệnh” được Người từng chỉ ra vẫn tồn tại, thậm chí có phần trầm trọng hơn. Đó là, để lọt những người có động cơ không trong sáng, “lợi ích nhóm”, “cánh hẩu” vào bộ máy lãnh đạo; hệ thống pháp luật còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, tính công khai, minh bạch còn hạn chế; thủ tục hành chính còn gây phiền nhiễu cho dân, các cơ quan công quyền cồng kềnh, làm việc thiếu hiệu quả; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn kịp thời; kỷ cương, phép nước ở một số cơ quan, tổ chức và địa phương còn chưa nghiêm, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, v.v. Những hiện tượng đó từng được Hồ Chí Minh cho là biểu hiện của “bệnh quan liêu” – một loại bệnh rất nguy hiểm: “những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”. Từ đó, Người kê một số “thang thuốc” đặc hiệu để diệt trừ bệnh này, như: “Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết”, “Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân”, “Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình”, “Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”, v.v.
Để Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân, trước hết mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và mọi quyết sách trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người dân; phải phát huy đầy đủ quyền dân chủ của Nhân dân trong mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, bởi: “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Cùng với đó, phải tăng cường kiểm soát quyền lực như Người đúc kết: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ sáng kiến của Nhân dân, có sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân. Trước khi ban hành các văn bản chính sách, pháp luật mới hoặc sửa đổi thì “Sau khi thảo xong, chúng ta cần phải trưng cầu ý kiến của Nhân dân cả nước một cách thật rộng rãi”, mới có thể hạn chế sai sót và thật sự là chính sách, pháp luật của Nhà nước do Nhân dân, vì Nhân dân. Đồng thời, đẩy nhanh việc áp dụng chính phủ điện tử, nhằm thuận tiện cho công dân kiểm soát và giám sát Chính phủ, hạn chế việc cơ quan công quyền gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực thực tế, có trách nhiệm và đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, làm tròn nhiệm vụ là người đầy tớ trung thành của Nhân dân.
Cuối cùng, “thang thuốc” không kém phần quan trọng có thể làm cho Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ngày càng mạnh mẽ trong điều kiện hội nhập quốc tế là, các cấp, các ngành, các tổ chức chính quyền, đoàn thể và toàn dân cần phải coi việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trở thành nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên hằng ngày.
Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân (điện tử)
Views: 2976