Tình cảm của Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng

Trong muôn vàn tình thương yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho nhân dân, Người luôn dành cho thiếu niên nhi đồng một tình thương yêu đặc biệt nhất. Người khẳng định: Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ.

48 năm qua, từ ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 1969, thiếu nhi Việt Nam không còn được Bác gửi thư, nhưng tấm lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn luôn đồng hành cùng thiếu niên nhi đồng cả nước. Thiếu nhi Việt Nam vẫn luôn cất cao lời hát: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh/Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”… để tỏ lòng thành kính Người!
     Tình yêu trẻ thơ của Bác không chỉ đơn giản là tình cảm thông thường mà còn là một tình cảm sâu sắc, rộng lớn bao dành riêng cho những người chủ trực tiếp xây dựng xã hội tương lai “Một năm khởi đầu bằng mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ” và Người coi “Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Bác là người đầu tiên coi thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà nên cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Vì vậy, dù luôn bận bịu với những công việc quốc gia đại sự, nhưng Bác Hồ vẫn dành nhiều thời gian để yêu thương và chăm sóc cho các thế hệ măng non của đất nước, bởi theo Bác, chính thế hệ măng non sẽ là những chủ nhân của đất nước sau này.
     Không chỉ giành tình yêu thương đặc biệt, Người còn viết nhiều bài thơ thể hiện lòng yêu thương trẻ em Việt Nam. Hai bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” và “Trẻ chăn trâu” của Bác ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đất nước đau thương. Mở đầu bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” là những lời lẽ hết sức giản dị, thực tế và chứa chan tình yêu thương:
Trẻ em như búp trên cành 
Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan 
Chẳng may vận nước gian nan 
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng 
Học hành giáo dục đã không 
Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa
 Sức còn yếu, tuổi còn thơ 
Mà đã khó nhọc cũng như người già 
Có khi lìa mẹ, lìa cha 
Để làm tôi tớ người ta bên ngoài”.
     Tình cảm của Người được viết ra từ trái tim, có sức lan tỏa mãnh liệt trong thiếu niên nhi đồng cả nước, thôi thúc họ tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà. Người vừa kêu gọi thiếu niên đoàn kết đấu tranh góp phần vào công công cuộc giải phóng dân tộc, vừa không quên nhắc đến trách nhiệm của các em: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Tùy theo sức của mình”. Đó là những “việc nhỏ, nghĩa lớn”. Bác còn khích lệ các em biết lễ phép, vệ sinh, biết giúp đồng bào khi gặp khó khăn, nghĩa là tự rèn luyện mình cũng là tham gia kháng chiến. Chính vì vậy, từ các phong trào cách mạng, đã có biết bao tấm gương thiếu niên, nhi đồng anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc mà tiêu biểu là Kim Đồng, Vừ A Dính, Lê Văn Tám, các đơn vị nổi tiếng như: Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, Đội Thiếu niên du kích thành Huế, Đội Thiếu niên du kích Đồng Tháp Mười…
     Tình cảm yêu thương đặc biệt đối với thiếu nhi còn được Người thể hiện bằng hành đông gửi tặng vở và những dòng thơ giản dị, chứa đựng tình cảm và sự quan tâm sâu sắc cho một thiếu nhi người dân tộc ở Cao Bằng:
Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai đây cháu giúp nước non nhà”.
     Sau Cách mạnh Tháng Tám, trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác chỉ rõ, học sinh được may mắn tiếp nhận một nền giáo dục mới, độc lập: “… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Và, cũng từ đây, gần như năm nào cũng vậy, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, hay Tết Trung thu… Bác đều viết thư cho thiếu niên, nhi đồng với lời lẽ ân cần, trìu mến, chí tình. Bác luôn căn dặn các cháu phải ngoan ngoãn, đoàn kết, thi đua học tập, lao động, chú ý rèn luyện cả về nhân cách và thể lực để trở thành công dân có sức khoẻ và tiến bộ, để đưa nước nhà “tiến kịp các nước khác trên toàn cầu”.
     Mỗi bài thơ, bức thư, câu nói của Bác, bên cạnh tình yêu thương bao la còn là những lời chỉ bảo, dặn dò từng ly từng tý đối với thiếu nhi: “Các em phải ngoan, ở nhà phải vâng lời bố mẹ, đi học phải siêng năng…”, đồng thời động viên, nhắc nhở thế hệ trẻ cố gắng vươn lên trong cuộc sống mới, cuộc sống của người dân một nước độc lập, tự do: “Thanh, thiếu nhi cần thực hành đời sống mới. Phải cương quyết, không sợ khó, không sợ khổ, phải siêng học, siêng làm”.
     Không chỉ gửi gắm tình cảm qua mỗi bức thư, bài thơ, lời căn dặn mà Bác còn khẳng định vai trò của thiếu nhi Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà: “Người lớn cứu nước đã đành/Trẻ em cũng góp phần mình một tay/Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tuỳ theo sức của mình”. Trong thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân ngày Quốc tế thiếu nhi năm 1951 Bác viết: Ngày 1/5, ngày của những người lao động thế giới tỏ tình đoàn kết, đấu tranh. Còn ngày 1/6 “là ngày của các cháu nhi đồng trong thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình…”.
Tình cảm của Bác thật dạt dào, cao cả! Ý thơ của Người vô cùng sâu sắc, thể hiện tầm nhìn xa, thấy rộng của người đứng đầu đất nước. Những lời căn dặn, khuyên nhủ, dạy bảo của Bác đối với thiếu niên nhi đồng nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi và giá trị thực tiễn sâu sắc!
     Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, hướng vào Nam, khi nhân dân “thành đồng Tổ quốc” đang ngày đêm sống rên xiết dưới gót giày của đế quốc Mỹ và tay sai, nỗi thương nhớ các cháu thiếu nhi miền Nam luôn cồn cào trong tim Bác. Trong thư gửi các cháu miền Nam năm 1965, Bác ao ước: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”. Người còn luôn nhắc các cháu thiếu nhi các trường miền Nam phải “yêu lao động, giữ kỷ luật. Chớ tự do phóng túng, phải tự lực cánh sinh… thi đua học tập, thi đua trong mọi việc…”.      Trong những năm cuối đời, trên bàn làm việc của Người thường có một cái phong bì để những tấm ảnh các cháu dũng sĩ miền Nam. Mỗi khi có khách quý nước ngoài đến thăm, Bác thường đem ra giới thiệu. Bác nói, các cháu này đã được đồng bào miền Nam bầu là dũng sĩ, các cháu ấy đã làm được những việc mà trước đây chúng tôi ở tuổi ấy không làm được!
     Trong bài viết “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-6-1969, Bác viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”.
     Tình yêu thương bao la của Bác Hồ không chỉ dành cho thiếu nhi Việt Nam mà còn dành cho cả thiếu nhi trên toàn thế giới. Đó là lòng nhân ái, tình yêu thương bao la của Người dành cho nhân loại. Ghi nhận tình cảm bao la, vĩ đại của Bác, Tiến sĩ Sử học, nhà báo E.V Cô-bê-lép viết: “Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi. Người đã dành tất cả tấm lòng yêu thương của người ông cho hàng triệu trẻ em Việt Nam mà Người đã gọi trìu mến là các cháu”. Tấm lòng của Bác Hồ đối với thiếu nhi Việt Nam như trời biển “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm trọn non sông mọi kiếp người”. Nỗi thương nhớ của Bác đối với các cháu không bao giờ vơi cạn. Trước lúc đi xa, Bác để lại muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc Việt Nam, trong đó, Người không quên nhắc đến thế hệ thiếu niên, nhi đồng bằng những tình cảm đặc biệt: Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.
     Bác Hồ của chúng ta đã đi xa, nhưng những lời căn dặn, hành động, tình cảm của Người sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí thiếu nhi nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung. Thấm nhuần tư tưởng của Bác “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Từ các bản Hiến pháp, các Bộ luật; Luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với các công ước quốc tế và truyền thống văn hoá của dân tộc. Đặc biệt, vấn đề về trẻ em cũng đã được Hiến pháp 2013 đề cập, quan tâm. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, là măng non sẽ góp phần xây dựng và phát triển xã hội sau này. Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu nhi Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng là “Cháu Bác Hồ Chí Minh” như sinh thời Bác Hồ hằng mong.
Phạm Thị Nhung
Trường Sĩ quan Lục quân 1

Views: 775