Thế nào là kiệm?
Kiệm là thế nào?
Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi.
Cần với Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người.
Cần mà không Kiệm, “thì làm chừng nào xào chừng ấy. Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không.
Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi.
Cần với Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người.
Cần mà không Kiệm, “thì làm chừng nào xào chừng ấy. Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không.
Kiệm mà không Cần, thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì đã không tiến tức là phải thoái. Cũng như cái thùng chỉ đựng một ít nước, không tiếp tục đổ thêm vào, lâu ngày chắc nước đó sẽ hao bớt dần, cho đến khi khô kiệt.
Cụ Khổng Tử nói: “Người sản xuất nhiều, người tiêu xài ít. Làm ra mau dùng đi chậm thì của cải luôn luôn đầy đủ”.
Tiết kiệm cách thế nào?
Chắc đồng bào ai cũng được nghe câu chuyện phong bì của Hồ Chủ tịch.
Hồ Chủ tịch dùng một cái phong bì hơn 2, 3 lần. Cụ nói:
“Trung bình, cái phong bì là 180 phân vuông giấy (0,018m).
Mỗi ngày, các cơ quan, đoàn thể và tư nhân trong nước ta ít nhất cũng dùng hết một vạn cái phong bì, tức là 180 thước vuông giấy. Mỗi tháng là 5.400 thước. Mỗi năm là 64.800 thước vuông giấy.
Nếu ai cũng tiết kiệm, dùng một cái phong bì 2 lần, thì mỗi năm chỉ tốn một nửa giấy, tức là 32.400 thước vuông. Còn 32.400 thước thì để dành cho các lớp bình dân học vụ, thì chẳng tốt sao?
Hơn nữa, nhờ sự tiết kiệm giấy, tiền bạc và công phu làm giấy có thể thêm vào việc kiến thiết khác, thì càng ích lợi hơn nữa…”
Cái thí dụ ấy rất rõ rệt, dễ hiểu. Đối với giấy như thế, đối với mọi thứ vật liệu khác đều như thế.
Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải.
Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được. Có ai kéo lại ngày hôm qua được không?
Muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Không nản chậm rãi. Không nên “nay lần mai lữa”
Tiết kiệm thời giờ là Kiệm, và cũng là Cần.
Bất kỳ làm việc gì, nghề gì, khi đã làm thì phải hăng hái, chăm chỉ, chuyên chú, làm cho ra trò làm.
Tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ người khác.
Thánh hiền có câu: “Một tấc bóng là một thước vàng”.
Tục ngữ Âu nói: “Thời tức là tiền bạc”.
Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại.
Tiết kiệm không phải là bủn xỉn.
Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm.
Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm.
Tiết kiệm phải kiên quyết không xa xỉ.
Việc đáng làm trong một giờ, mà kéo dài đến 2,3 giờ, là xa xỉ.
Hao phí vật liệu, là xa xỉ.
Ăn sang mặc đẹp trong lúc đồng bào đang thiếu cơm, thiếu áo, là xa xỉ.
Ăn không ngồi rồi, trong lúc đang cần kháng chiến và xây dựng, là xa xỉ
Vì vậy, xa xỉ là có tội với Tổ quốc, với đông bào.
Tiết kiệm nghĩa là
1 giờ làm xong công việc của 2, 3 giờ.
1 người làm bằng 2, 3 người.
1 đồng, dùng bằng giá trị 2, 3 đồng
Cho nên, muốn tiết kiệm có kết quả tốt, thì phải khéo tổ chức. Các thí dụ người thợ mộc nói trên, đã chứng tỏ rằng: Biết tổ chức thì tiết kiệm được sức lực, thời giờ, và vật liệu.
Không biết tổ chức thì không biết tiết kiệm. Thí dụ: Nếu 1 nhà 10 người, mỗi người nấu riêng một nồi cơm, thì tốn biết bao nhiêu nồi, bao nhiêu củi và nước, bao nhiêu công phu. Góp nhau lại nấu chung một nồi, thì lợi biết bao nhiêu,
Vì vậy, góp sức làm việc (lao động tập đoàn), và hợp tác xã, là một cách tiết kiệm tốt nhất.
Kết quả của tiết kiệm
Trên kia đã thuật lại cái thí dụ tiết kiệm phong bì, mà Hồ Chủ tịch đã dạy chúng ta. Đây tôi xin thêm một thí dụ nữa:
Nước ta có 20 triệu người. Nhiều bù ít, mỗi người mỗi ngày ăn 700 gam gạo, mỗi tháng là 21 kilô gạo.
Nếu mỗi ngày mỗi người chỉ tiết kiệm nửa bát cơm (việc đó rất dễ, ai cũng làm được), thì mỗi tháng cả nước sẽ tiết kiệm được 20 triệu kilô gạo, nghĩa là đủ nuôi một triệu chiến sĩ trong một tháng.
Hiện nay, mấy xã ở Liên khu I có sáng kiến làm “Hũ gạo kháng chiến”. Mỗi nhà mỗi ngày cứ bỏ vào hũ một vốc gạo. Chi thế thôi, mà số gạo đủ nuôi anh em dân quân du kích trong xã.
Đó là một sáng kiến tiết kiệm hay, mà các nơi nên làm theo, Nếu toàn dân ta Thi đua tiết kiệm:
Các cơ quan tiết kiệm tiền công và của công, để đỡ tốn ngân quỹ;
Chiến sĩ thi đua tiết kiệm thuốc đạn, bằng cách bắn phát nào trung phát ấy;
Công nhân thi đua tiết kiệm nguyên liệu;
Học sinh thi đua tiết kiệm giấy bút;
Đồng bào hậu phương thi đua tiết kiệm tiền bạc và lương thực, để giúp đỡ bộ đội;
Mỗi người, thi đua tiết kiệm thời giờ:
Thì kết quả thi đua tiết kiệm cũng bằng kết quả thi đua tăng gia sản xuất.
Một mặt, chúng ta thi đua Kiệm.
Một mặt, chúng ta thi đua Cần.
Kết quả Cần cộng với kết quả Kiệm là: Bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới.
Kết quả chữ Cần chữ Kiệm to lớn như vậy đó.
Cho nên người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm.
Lệ Quyết Thắng
Báo Cứu quốc, 31-5-1949
Báo Cứu quốc, 31-5-1949
Trích “Những câu chuyện kể về đức tính tiết kiệm của Bác Hồ”, trang 107-110; Nxb. Lao động, 2008. – 136tr.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Đọc: DVL.008182
Phòng Mượn: MVL. 007705, MVL. 007706
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Đọc: DVL.008182
Phòng Mượn: MVL. 007705, MVL. 007706
Views: 36