Học cách sống đơn giản để thanh thản
Thiền sư người Nhật đưa ra góc nhìn và phương pháp cụ thể để có cuộc sống đơn giản.
Giữa cuộc sống hiện đại bận rộn, chúng ta thường được khuyên nên “sống đơn giản cho đời thanh thản”. Nhưng thế nào là cuộc sống đơn giản? Làm thế nào để đạt được sự giản đơn, yên bình trong nội tâm? Thiền sư Shunmyo Masuno nêu quan điểm của mình trong cuốn Sống đơn giản cho mình thanh thản.
Bản chất của cuộc sống đơn giản
Theo thiền sư Shunmyo Masuno, sống đơn giản không chỉ là dọn dẹp, sắp xếp đồ vật, cũng chẳng phải sự bằng lòng với cuộc sống bình dị đang có. Sống đơn giản là nhìn thấu được những điều quan trọng với bản thân mình.
Vậy trước khi thực hành lối sống đơn giản, hãy tự hỏi bản thân điều quan trọng nhất bạn muốn làm cho chính mình là gì? Điều gì thật sự cần thiết cho cuộc sống hiện tại của bạn.
Thiền sư cũng chỉ ra sự khác biệt giữa “giản đơn” và “giản dị”, dù thoạt nghe hai từ này mang ý nghĩa giống nhau.
“Giản đơn” là loại bỏ những thứ không cần thiết và biết những điều thật sự cần thiết với mình. Chẳng hạn một người thích uống trà sẽ mua chén trà tốt dù giá cao để có thể dùng lâu dài và đem đến cảm giác thỏa mãn.
Còn “giản dị” nghĩa là sao cũng được, có thể mua những món đồ giá trị thấp, một chén trà rẻ tiền cũng được, miễn là uống được trà.
Bản thân mỗi người cần phân biệt cái gì cần giản đơn, cái gì cần giản dị, cái gì thật sự cần thiết với mình.
Phương pháp cụ thể để thực hành lối sống đơn giản
Thiền sư Shunmyo Masuno đã đưa ra những phương pháp cụ thể để bất cứ ai cũng có thể bắt đầu thực hành lối sống đơn giản. Đây chính là những trải nghiệm mà ông đúc kết qua nhiều năm tu tập, cũng như quan sát cuộc sống của những người xung quanh. Những phương pháp này đều liên quan lối sống, cách ăn, mặc, ở, mua sắm mà người đọc có thể tìm hiểu và vận dụng luôn.
Trong sinh hoạt thường ngày, ông chủ động chọn sự bất tiện: Thay vì dùng thang máy thì đi thang bộ; dùng chổi và giẻ lau để quét dọn thay cho máy hút bụi. Dọn dẹp đồ đạc cũng chính là cách để dọn dẹp tâm hồn, giúp tăng cường vận động cơ thể và có tinh thần thoải mái.
Trong ăn uống, thiền sư cho rằng không nên ăn quá no, nên ăn trong chánh niệm và cố gắng ăn chay ít nhất một lần mỗi tuần. “Ăn có chừng, dừng đúng lúc”, hãy lắng nghe cơ thể mình để ăn vừa đủ và không lãng phí thức ăn.
Trong mua sắm, tác giả cuốn sách nêu quan điểm chúng ta nên tận dụng tối đa công năng của đồ đạc và chỉ mua những thứ thật sự cần thiết.
Hạnh phúc là biết đủ
Dù chọn cách sống nào, ai cũng mong có một cuộc sống hạnh phúc. Thiền sư Shunmyo Masuno đã chỉ ra những hạnh phúc nhỏ bé bình dị mà đôi khi đi ngược lại lời khuyên trong nhiều cuốn sách “self-help”.
Chẳng hạn, những người làm việc lâu năm trong một công ty, lặp lại công việc nhưng bạn của năm nay chắc chắn không phải bạn của năm trước. Bản thân mỗi người luôn thay đổi từng ngày.
Tác giả cũng chỉ ra một chìa khóa quan trọng để có được cuộc sống hạnh phúc, đó là bỏ bớt thay vì thêm vào.
Con người có dục vọng, từ những thứ cơ bản như ăn, ngủ, tình dục đến ham muốn khác. Chúng ta không thể triệt tiêu hoàn toàn những dục vọng của mình. Nhưng theo thời gian, những dục vọng ấy sẽ lớn dần và cái tâm không biết thỏa mãn sẽ được sinh ra, thiền sư gọi là “tâm béo phì”. Những lo lắng, bất an thường đến từ chấp niệm vô nghĩa, chỉ khi sẵn lòng buông bỏ, người ta mới có được sự bình an.
Cuốn sách đã chỉ ra những “tâm béo phì” mà con người hay mắc phải và làm thế nào để tiêu trừ chấp niệm đó dựa trên tư tưởng của thiền.
Hằng Nga // https://zingnews.vn/.- 2022 (ngày 16 tháng 2)
Views: 5