Phong cách Bác Hồ, phong cách nêu gương

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, hết sức quan tâm coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cả cuộc đời giản dị, trong sáng của Người luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực, tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm – một tấm gương lớn cho các thế hệ con cháu mãi mãi noi theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nêu gương có một vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, bởi như Người nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” 1 và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” 2. Vì thế, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt, mà còn phải làm gương trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, luôn nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.
Theo Hồ Chí Minh: Nêu gương là bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thường xuyên khắc phục những hạn chế khuyết điểm của bản thân về mọi mặt, phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để làm công việc chung. Trong tác phẩm Ðường Kách mệnh, viết từ những năm 20 của thế kỷ trước, và trong các bài nói, bài viết sau này, Hồ Chí Minh chỉ rõ mỗi đảng viên, cán bộ cũng như mỗi người chúng ta cần nhận thức và giải quyết tốt ba mối quan hệ:
– Ðối với bản thân, không được tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày để phát huy ưu điểm, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa.
– Ðối với người phải có thái độ chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng.
– Ðối với công việc luôn giữ nguyên tắc công tư phân minh, phải để việc công lên trước việc tư, đã nhận việc gì thì không sợ khó không sợ khổ phải tận tâm tận lực hoàn thành tốt, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh…
Với Người, nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu không chỉ nói miệng. Muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương, thì cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện “nói đi đôi với làm”. Ðây là nguyên tắc trước hết, cực kỳ quan trọng của việc nêu gương. Thực tế cho thấy, người cán bộ đảng viên nói nhiều làm ít, hoặc nói một đằng làm một nẻo, hay nói mà không làm được thì không ai tin. Họ sẽ mất uy tín và vai trò trước quần chúng. Chỉ có nhất quán giữa lời nói và việc làm thì người cán bộ, đảng viên mới có được sự tin yêu của quần chúng. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ hy sinh của Hồ Chí Minh là sự thống nhất trọn vẹn giữa nhận thức và hành động, giữa nói và làm. Suốt đời Hồ Chí Minh tâm niệm việc nêu gương tốt đúng như những điều Người dạy cán bộ, đảng viên và nhân dân về đạo đức cách mạng.
Nhớ lại, khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, để giải quyết nạn đói đang hoành hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước: “Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước…: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Ðem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” 3 và Người nêu gương “tôi xin thực hành trước” rất nghiêm túc, cho dù phải làm việc nhiều, sức khỏe lại giảm sút bởi trải qua trận ốm nặng trước đó. Những đồng chí từng phục vụ bên Bác kể một lần tướng Tiêu Văn của quân đội Tưởng Giới Thạch mời chiêu đãi Bác Hồ vào đúng bữa cơ quan nhịn ăn để góp gạo cứu đói, dù anh em có báo cáo với Bác là phần gạo của Bác đã cho vào hũ gạo cứu đói rồi, nhưng Bác vẫn quyết định “nhịn ăn một bữa” vào ngày hôm sau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy đảng viên, nhân dân phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, thời giờ, tiền bạc; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức. Bản thân Bác đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hằng ngày. Ðồ dùng cá nhân của Bác cũng rất giản dị và tiết kiệm.
Bữa ăn của Bác thanh đạm như bữa ăn của mọi gia đình bình thường: Bát canh, quả cà, con cá hoặc lát thịt kho… Quần áo Bác mặc chỉ có vài bộ may cùng kiểu đơn giản. Khi đôi dép cao-su bị mòn, bộ áo quần ka-ki sờn đôi chỗ Bác vẫn dùng. Các đồng chí phục vụ định thay mới nhưng Bác không đồng ý. Có đồng chí lãnh đạo gần Bác thưa thật là Chủ tịch nước mặc áo sờn vá như thế không phù hợp lắm, Bác đã nói “Này chú! Chủ tịch Ðảng, Chủ tịch nước mặc áo vá thế này là cái phúc của dân đấy! Ðừng bỏ cái phúc ấy đi” 4. Những trang bản thảo thường được Bác viết ở mặt sau của những tờ tin tham khảo của Việt Nam Thông tấn xã. Bác đi công tác hay đi thăm đồng bào và chiến sĩ trong cả nước cũng chỉ bằng chiếc ô-tô bình thường. Các đồng chí cán bộ ngoại giao đang công tác ở nước ngoài biếu chiếc điều hòa nhiệt độ, nhưng Bác không dùng mà đề nghị chuyển chiếc điều hòa ấy cho các đồng chí thương, bệnh binh đang điều trị tại trại điều dưỡng hoặc quân y viện, là những người, những nơi cần có hơn. Khi về thăm các địa phương, Bác thường không báo trước để tránh đón rước linh đình, gây phiền hà và tốn kém của nhân dân. Ðồng thời, Người còn nhắc các đồng chí đi cùng chuẩn bị cơm nắm với muối vừng mang theo để tiết kiệm gạo, tiền của nhân dân.
Trong dịp Bác sang thăm Liên Xô, Ủy ban Trung ương Ðảng Cộng sản Liên Xô gửi cho Bác 4.000 rúp, đồng chí thư ký của Bác 1.000 rúp. Trước khi rời Mát-xcơ-va, Bác đã gửi lại Ủy ban Trung ương Ðảng Liên Xô 5.000 rúp đó. Lần Bác tới thăm Xí nghiệp
may 10, đơn vị có biếu Bác bộ quần áo ka-ki, Người nhận và sau đó gửi lại cùng lá thư để “gửi bộ áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua”…
Để việc nêu gương đạt kết quả thực tế, Hồ Chí Minh chủ trương phương pháp lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau. Người thường xuyên theo dõi những điển hình tiên tiến được phản ánh trên các báo trung ương, địa phương, ngành để tổng hợp và yêu cầu tìm cách nhân rộng. Năm 1969, trước khi đi xa, khi góp ý cho các đồng chí Bộ Văn hóa tuyển chọn những gương tiêu biểu để xuất bản thành sách Người tốt, Việc tốt, Bác nhấn mạnh rằng cần nêu gương những người bình thường hằng ngày có những hành động bình thường mà anh hùng, xứng đáng được học tập, ai ai cũng có thể làm theo.
Thực hiện lời dạy của Bác và noi theo gương sáng của Người, các thế hệ Việt Nam tiếp nối nhau phấn đấu thi đua để trở thành những tấm gương cho thế hệ sau cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Hôm nay biết bao tấm gương bình dị mà cao quý đã được Ðảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Từ ý nghĩa to lớn của việc nêu gương nhằm xây dựng Ðảng luôn trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, trong số nhiều giải pháp, Ðảng ta luôn đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp. Ðây là giải pháp đúng đắn và cũng là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay.
(st)

Views: 2239