Giữa trùng khơi, có một nơi tuyệt vời để sống

Tôi khẳng định như vậy sau 1 tuần trải nghiệm khắp các ngõ ngách, gặp nhiều cư dân trên hòn đảo chỉ hơn 17km2, mang cái tên ai nghe cũng thích này: Đảo Phú Quý.

Những ngày ở đảo Phú Quý (huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận), tôi liên tục đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Tất cả những người tôi gặp trên đảo, đều là lần đầu tiên, nhưng tôi cảm nhận được sự thân thiện, chân chất, không chút e dè, như một người quen lâu năm. Chính vì thế, chỉ sau một buổi ngỡ ngàng, lạ lẫm, tôi đã nhanh chóng tự tin, thích thú và tình cảm dành cho nơi đây ngày một nhiều hơn.

Người lạ ở cầu cảng

Ngay khi đặt chân xuống cầu cảng Phú Quý, dù đã có anh bạn thổ địa tên Thắng, công tác tại UBND huyện Phú Quý (do anh bạn đồng nghiệp ở TP Phan Thiết giới thiệu và lần đầu tiên tôi gặp), ra tận nơi đón, nhưng bất ngờ một người đàn ông lạ mặt tiến lại, đỡ lấy chiếc balo khá nặng trên vai tôi: “Anh hai, để em”. Tôi khá bất ngờ, nhìn mặt anh ta và vội vàng giữ balo lại.

Thắng cười, trấn an: “Anh yên tâm, dân đảo hiền lắm, không lo mất mát hay lừa gạt gì đâu. Anh này là xe ôm. Ở đây xe ôm họ ra tận cầu cảng đón khách, mang giúp đồ vào trong kia. Sau đó họ hỏi và tư vấn mọi thứ. Từ ở, ăn, đi lại đến các điểm tham quan. Ngoài mục đích có một cuốc xe ôm hoặc cho thuê xe, ai cũng muốn nói thật nhiều, thật kỹ về đảo. Nếu mình không có nhu cầu thuê xe, họ sẽ vui vẻ đi chứ không làm phiền gì cả”.

Cảng Phú Quý, nơi tôi lần đầu ngạc nhiên khi tiếp xúc người đàn ông lạ. Ảnh: Phúc Lập.

Thắng chở tôi đến mấy điểm lưu trú, nhưng đều hết chỗ. “Phú Quý chưa có nhiều khách sạn, nhà nghỉ, không đặt trước thì rất khó tìm phòng. Nếu anh không ngại thì ghé nhà em nghỉ. Nhà chỉ có mẹ con em và 2 đứa nhỏ con em, vẫn còn 1 phòng để không”, Thắng đề nghị. Tôi tỏ ý e ngại phiền gia đình, Thắng gạt phắt: “Anh nói vậy là chưa hiểu gì về dân đảo rồi”. Thắng nói rồi gọi về nhà cho mẹ.

Xe về đến cổng, mẹ Thắng đứng đón trước cửa. Tôi mới gật đầu chào, bà đã cười tươi, bảo: “Cô nghe Thắng nói rồi. Mấy khi con ra đảo, cứ ghé nhà cô ở, đỡ tốn kém, cô cũng vui, không phiền gì hết, ở bao lâu cũng được. Ban ngày con đi làm việc, đến bữa về ăn cơm với cô cho vui, muốn ăn gì cứ nói cô nấu cho”. Tôi không biết nói gì hơn là gật đầu và “vâng, dạ” rối rít.

Những ngày sau đó, mỗi buổi sáng trước khi đi chợ, bà đều đợi tôi ra khỏi phòng, hỏi muốn ăn món gì để bà mua, gần đến bữa, bà lại gọi, nhắc về ăn cơm, như một thành viên trong nhà.

Đường trên đảo Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Trước khi quay về đất liền, tôi thực sự xúc động trước tình cảm gia đình Thắng dành cho mình, và không biết nên đáp lại thế nào cho phải, vì suốt 1 tuần ở nhà Thắng, hôm nào cũng đi đến tối mới về, chưa có nhiều thời gian trò chuyện với bà. Sau khi tham khảo ý kiến một người bạn, tôi mới chuẩn bị 1 phong bì và ngồi nói chuyện với bà… Khi tôi ngập ngừng đưa phong bì, bà dứt khoát từ chối.

“Con là bạn Thắng, cô cũng coi như con cháu. Phòng không ở cũng bỏ trống chứ có kinh doanh cho thuê đâu. Ở đây nếu nhà nào có người quen, người thân ở đất liền ra quý lắm. Mai mốt có ra công tác nữa, cứ ghé đây mà ở. Cổng, cửa nhà không khoá, về lúc nào cũng được”, nghe bà nói, tôi đành chỉ biết lí nhí cảm ơn mà lòng vẫn áy náy.

Quả thật, mấy ngày tôi ở đây, mỗi lần sáng tối đi về, đều có vài người hàng xóm lại hỏi thăm, rất thân tình.

Chuyện của Giỏi homestay

Đó là chàng trai Nguyễn Văn Giỏi, sinh năm 1989, người đầu tiên trên đảo làm homestay du lịch. Và Giỏi cũng khiến tôi ấn tượng bởi tình cách thân thiện, dễ gần, và dù còn khá trẻ, nhưng cách nghĩ, cách làm của anh lại rất… người lớn. Tôi “ưu tiên” đưa Giỏi vào bài, vì thấy anh là một điển hình khát vọng trẻ, không chỉ yêu quê hương mà còn rất có trách nhiệm với nơi mình sinh ra.

Nguyễn Văn Giỏi (giữa), dẫn khách du lịch đi trải nghiệm câu cá trên đảo Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Giỏi sinh ra và lớn lên trên đảo, nhưng đã có 4 năm là sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM, sau đó ở lại Sài Gòn thêm 2 năm làm việc.

“Thực ra, khi học đại học, rồi đi làm 2 năm ở Sài Gòn, em vẫn luôn cảm thấy mình không thuộc về Sài Gòn sầm uất, mà tâm trí luôn nghĩ về nơi mình sinh ra. Nơi vào mỗi buổi tinh mơ, khi những chiếc thuyền thúng hay ghe nhỏ cập bến sau 1 đêm đánh bắt trở về, người thân xúm lại, phân loại, lựa những món hải sản vừa đánh bắt được rồi mang lên bán ngay phía trên, bà con đến mua trong chốc lát đã hết. Rồi những buổi chiều, người lớn, thanh niên, đàn ông, phụ nữ, trẻ con, trải chiếu ngồi chơi ngoài đường, hóng gió, ngắm hoàng hôn… nhớ đến nao lòng. Nên việc em về đảo lập nghiệp là chuyện sớm muộn thôi”, Giỏi tâm sự.

Năm 2016, Giỏi chính thức về đảo lập nghiệp. Khi đó, Giỏi nói với gia đình và mọi người rằng về làm du lịch, thì hầu như mọi người chưa hình dung ra công việc cụ thể của cậu là gì, vì cả đời họ chỉ gắn bó với ghe thuyền, biển, chả mấy khi tiếp xúc với đất liền.

Nụ cười thân thiện, dễ mến, thêm tình yêu quê hương, Giỏi đã giúp nhiều người hiểu và yêu hòn đảo nơi cậu sinh ra hơn. Ảnh: Phúc Lập.

Đến giờ, sau 5 năm trở về đảo lập nghiệp, đã chứng minh rằng đây là quyết định chính xác của Giỏi. “Tuy chưa làm được gì to lớn, mình tự hào và thấy vui lắm. Người dân trên đảo được tiếp xúc nhiều hơn với du khách ở khắp nơi. Vui nhất là khi nghe khách phản hồi tích cực về sự thân thiện của người dân trên đảo. Hiền hòa, dễ mến, thân thiện, là ưu điểm của cư dân Phú Phú mà em nghĩ không đâu có.

Dân đảo sống rất đoàn kết, tính cộng đồng rất cao. Đây là truyền thống có từ khi khai sinh hòn đảo này cách đây mấy trăm năm. Em cam đoan, bất cứ ai nghe những chuyện liên quan đến các bậc tiền hiền, mở cõi hòn đảo này, đều có thể rưng rưng nước mắt.

Còn thiên nhiên thì rất hoang sơ, nhiều cây xanh, đường xá lúc nào cũng sạch sẽ. Điều đó xuất phát từ ý thức của người dân bản địa. Họ không xả rác bừa bãi, nhất là xả ra biển”, Giỏi nói.

Những điều Giỏi nói đều đúng cả. Vì tôi đã có dịp nghe, trải nghiệm và tận thấy.

Chuyện trên làng bè

Làng bè là một trong số những điểm tham quan đặc biệt trên đảo Phú Quý. Hiếm có du khách nào ra đảo mà “quên” trải nghiệm nó.

Những chàng trai trên làng bè Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Làng bè nằm ở bãi biển thuộc thôn Phú Lân, xã Long Hải. Nơi đây “quy tụ” những loài đặc sản đặc biệt, chỉ Phú Quý mới có. Đó là hàng chục loại ốc, được đặt tên theo hình dáng của chúng như ốc bàn tay, bàn chân, vú nàng, giác sắt, ốc đỏ… và những loại cua đặc sản như cua mặt trăng, cua đỏ, cua đá, cua huỳnh đế. Và nhiều loại cá như tà ma, mú hồng, đỏ, hoàng hậu.

Nhưng ngay cả khi chưa lên xuồng chạy ra làng bè, tôi đã ấn tượng. Đến bãi biển tìm ghe ra xóm bè, tôi còn đang ngơ ngác chưa biết hỏi ai thì một người đàn ông ngồi trong quán nước hỏi vọng ra: “Chú muốn ra bè nào? Có số chủ bè chưa?”. Tôi câu trả lời của tôi, anh nói tiếp: “Thế thì chịu. Chỉ cần có số chủ bè gọi là họ cho xuồng vào đón ra thôi”. Tôi nghe vậy liền ngỏ ý nhờ anh gợi ý. Anh liền đáp: “Vậy ra bè cá Sinh đi. Đó là một trong những bè cá đầu tiên ở đây, nhiều loại hải sản”. Nói rồi người đàn ông tôi chưa biết tên nhiệt tình rút điện thoại ra gọi. Xong anh thông báo: “Anh đợi chút xíu, ổng cho người vào đón”.

Tôi tỏ ý cảm kích vì sự nhiệt tình của người đàn ông vừa gặp, đồng thời hỏi tên, xin số điện thoại, anh cười: “Tôi tên Hùng. Anh lấy số, cần hỏi gì cứ gọi, tôi chỉ cho. Ngoài này chuyện đó bình thường, không có gì đâu”. Anh vừa nói xong thì 1 chiếc xuồng máy nhỏ tấp vào bờ. “Xuồng ông Sinh đó”, anh Hùng nói. Tôi ngỏ ý muốn nhờ anh đi cùng, khi anh gật đầu, tôi lại ngập ngừng hỏi… chi phí, anh liền xua tay: “Tôi mới đi ghe về, đang nghỉ nên cũng rảnh, đi giới thiệu về quê hương mình cũng vui, tiền bạc gì chứ”.

Anh Võ Sinh và cua mặt trăng, loài cua chỉ có ở Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Trò chuyện với chủ bè tên Sinh, tôi lại ngạc nhiên bởi thấy sự chất phác của người đàn ông này. Trong số những câu chuyện anh kể, tôi nghe chuyện làm ăn, giao hàng cho khách nhận tiền sau, nhưng nhiều khách hàng anh chưa từng gặp mặt. Chính vì thế, cũng vài lần anh bị khách “bùng” tiền. Tôi hỏi sao mình không nhận tiền trước giao hàng sau, anh đáp: “Xưa giờ làm ăn vậy rồi, giờ mình đòi tiền trước người ta nói không tin tưởng, kỳ lắm. Mà cũng chẳng mấy ai lừa gạt gì đâu, tôi đóng những thùng ốc mấy chục triệu, trăm triệu gửi ra ngoài Bắc luôn mà có nhận tiền trước đâu. Tôi bị mấy lần, nhưng số tiền không nhiều, có mấy chục triệu thôi. Tôi nghĩ chắc do họ làm ăn thất bại thôi chứ bình thường ai làm vậy”.

Rời bè anh Sinh, tôi đi thêm mấy bè lân cận của Võ Thành Trung, Trần Văn Chơn, Nguyễn Văn Hùng…họ giống nhau ở chỗ, làm ăn sẵn sàng “nắm đằng lưỡi” như anh Sinh.

Ông chủ bè trẻ Trần Văn Hải, một trong những người “dễ tin” người, sẵn sàng giao cho khách những thùng hải sản trị giá hàng chục triệu đồng và nhận tiền sau. Ảnh: Phúc Lập.

Chuyện của các vị bô lão

Tôi may mắn gặp được nhóm các cụ cao niên trên đảo khi Thắng dẫn đến quán cà phê. “Quán cà phê này là nơi mấy chú lớn tuổi, biết nhiều chuyện trên đảo thường ghé. Người dân trên đảo thân thiện anh biết rồi. Chỉ chào 1 câu xong là thành thân quen”, Thắng bảo thế. Và quả đúng là thế.

Nhưng tôi lại ngạc nhiên, bởi khi gặp mấy chú, tôi nghĩ tuổi của họ dưới 70 tuổi trở xuống. Nhưng nghe giới thiệu, tôi “té ngửa”, mấy chú đều trên dưới 80 cả rồi. (Những ngày sau, tôi gặp thêm những người cao niên khác trên đảo. Họ đều ngoài 70 tuổi nhưng vẫn “khoẻ như vâm”, vẫn theo ghe đi biển cả tháng như lão ngư Trần Hùng, Ngô Chức, Nguyễn Thuận…).

Họ từng là những người từng trải qua thời tuổi trẻ nghèo khó vô cùng. Ông Đỗ Đình Cu, tên thường gọi là Hai Cụ, sinh năm 1942, kể: “Ngày xưa, thời cha mẹ chú á, không. Ai biết đôi dép là gì. Đến đời các chú đây cũng vậy, mãi cách đây hơn chục năm, các chú nghỉ đi biển rồi, mới biết đôi dép tổ ong là gì”.

Các vị bô lão này (ngoài Trần Văn Thắng ngoài cùng bên trái) đều trên dưới 80 tuổi, nhưng ai cũng khoẻ mạnh và rất yêu đời. Ảnh: Phúc Lập.

Có lẽ do khó khăn, thiếu thốn vậy nên từ xa xưa trên đảo, các đôi trai gái yêu nhau là đưa nhau về chung nhà chứ chưa bao giờ đám cưới, mặc dù vẫn sống với nhau răng long đầu bạc?

Trả lời điều này, ông Nguyễn Văn Thinh, 78 tuổi, đáp: “Đó là một lý do. Ngoài ra, còn có tích liên quan đến Bà Chúa nữa (Công chúa Bàn Tranh, người đầu tiên tạo lập cuộc sống con người trên đảo Phú Quý). Bà không muốn cặp vợ chồng nào bị ảnh hưởng hạnh phúc lứa đôi vì thủ tục, nên chỉ yêu cầu vợ chồng chung thuỷ, yêu thương nhau, còn mọi thứ khác liên quan thủ tục không quan trọng”.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thinh, dù chẳng “cưới xin” gì, nhưng đã sống hạnh phúc bên nhau gần 60 năm, con cháu đề huề. Ảnh: Phúc Lập.

Còn sống thọ thì sao? Có phải nhờ thiên nhiên trong lành, ăn uống sạch? “Cũng đúng, nhưng chưa đủ. Yếu tố rất quan trọng nữa là tinh thần. Tiền bạc, vật chất có nhiều bao nhiêu đi nữa mà sống không vui vẻ thì cuộc sống chẳng có giá trị gì. Cứ vui vẻ như mấy chú đây, dù không giàu vẫn sống thọ”, ông Thinh phân tích xong, bật cười sảng khoái.

Trên đảo còn nhiều chuyện lạ nữa mà không có điều kiện kể kĩ lưỡng. Ví dụ chuyện xe ôm, ai cũng có thể làm xe ôm, và ai đi bộ cũng có thể được đi xe ôm miễn phí (dĩ nhiên, miễn phí không dành cho khách du lịch). Chỉ cần ai chạy xe ngoài đường, thấy người dân đang đi bộ cùng hướng, hoặc như đang đứng đợi xe, là tự động dừng xe trước mặt, người đi bộ ngồi lên phía sau xe, nói muốn đến đoạn nào. Và họ được chở đến tận nơi.

Hay chuyện ngôi chùa Linh Sơn hơn trăm năm trên đỉnh Cao Cát, xã Long Hải. Đây là ngôi chùa thể hiện tình cảm, sức mạnh tập thể. Bởi từ khi ra đời đến nay, ngôi chùa trải qua nhiều lần xây dựng, trùng tu, tất cả đều là công sức, đóng góp của người dân. Ngôi chùa hiện không có trụ trì, mà do những người dân trong xã thay nhau đến chăm nom, bảo quản.

Phúc Lập // https://nongnghiep.vn.- 2022 (ngày 4 tháng 9)

Views: 3