Nhịp sống ở đảo Phú Quý

Một trong những địa điểm du khách yêu thích tìm đến khi ra đảo Phú Quý (Bình Thuận) là cột cờ chủ quyền Tổ quốc. Đảo Phú Quý trong “Tháng Thanh niên”, “Tháng Ba biên giới” thêm náo nức lòng người khi các bạn trẻ được chứng kiến những nỗ lực phi thường của quân dân huyện đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để vùng đất từng là nơi biền biệt cách đất liền trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Nhịp sống lúc bình minh ở đảo Phú Quý. Ảnh: Văn Chương

Âm thanh bình minh

Bình minh chưa ló rạng, cuộc sống đã diễn ra nhộn nhịp ở khu vực cảng của đảo Phú Quý. Nhịp sống ở đảo rất khác đất liền. Cứ thỉnh thoảng lại có một chiếc ghe nhỏ chở mấy chục ngư dân áp vô bờ, đó là đội quân chuyên đi thu mua cá, mực trên biển. Nơi chộn rộn bước chân người nhiều nhất là các thuyền nhỏ chở mực ghim. Mực ghim dài hơn một gang tay, luôn phát ra màu óng ánh như hào quang, phần lớn được xuất khẩu. Du khách đặc biệt ưa thích món mực ghim nướng than, vì hương vị rất ngon.

“Hồi xưa còn lạc hậu, ghe thuyền nhỏ, chưa có tàu cứu nạn, bà con mình đi biển là cúng bái ông bà dữ lắm, vì cuộc sống ở đây xa đất liền, sóng gió quanh năm” – ông Tường, một ngư dân lớn tuổi kể về nhịp sống ở đảo Phú Quý trong quá khứ – “Ngư dân ở đây mỗi khi gặp chuyện dữ trên biển là nguyện thầy Sài Nại, thần Nam Hải đại tướng quân”. Câu chuyện đầy màu sắc huyền hoặc, nhưng cũng khiến cho cuộc sống ở vùng biển đảo xa xôi này thêm phần thú vị, thu hút thêm du khách ra đảo tham quan du lịch, trong đó có du lịch tâm linh.

Buổi sáng sớm ở đảo Phú Quý, nhìn ra biển mới chứng kiến hết tài nghệ của ngư dân Phú Quý, hiểu thêm về đời sống của bà con dân đảo. Mỗi ngư dân cưỡi một chiếc ca nô nhỏ có thân vỏ bằng tôn, tốc độ của ca nô đi như bay trên mặt nước. Khi ca nô đi ngược chiều sóng thì liên tục bay lên rồi rơi xuống, trông giống như ngựa phi nước đại. Ở đảo có gần 1.400 tàu cá. Ông Thành, một ngư dân địa phương cho biết, quanh đảo có cực kỳ nhiều bãi rạn, có nơi nằm cách mặt biển chỉ 0,5 mét, ngư dân đi bằng ca nô nhỏ để luồn vào tất cả các vùng này.

Các ngư dân thấy phóng viên thì thử lòng can đảm bằng cách hỏi, “có dịp trời yên, biển lặng thì chú dám ra tới hòn Hải hay không?”. Hòn Hải là điểm A6 đường cơ sở trên biển và nằm ở vị trí nhô ra xa nhất của đường viền nội thủy, nằm cách đảo tới 60km. Trước đây, khi chưa đặt ngọn hải đăng, ngư dân ở Phú Quý xem hòn Hải như là nơi trú ngụ của những vị tiên linh của biển cả, mỗi khi đi qua đều thắp hương van vái và không ai dám trèo lên hòn Hải.

Ông Huỳnh Do, người dân trên đảo cho biết, hiện nay, BĐBP đã đặt một trạm tìm kiếm cứu nạn, nên các tàu cá bị nạn ở gần đảo là điện ngay cho BĐBP. Còn hòn Hải đã có trạm đèn biển, vì vậy, chuyện hiển linh giờ đã phai nhạt đi phần nào. Nhưng điều đó cũng tạo ra sắc màu kỳ bí, hấp dẫn trong cuộc sống thường ngày của người dân ở vùng biên viễn xa xôi.

Dấu xưa đầy thu hút

Đứng trên ngọn hải đăng nằm ở vị trí cao nhất để bao quát toàn bộ khung cảnh đảo, những khu dân cư giống như những đường viền mỏng ở rìa hòn đảo, còn lại tới 90% diện tích đảo vẫn rợp bóng rừng cây xanh mướt. Tổng diện tích trồng cây lâu năm của người dân đảo là 460ha. Đất canh tác và cả rừng cây này đã nuôi sống người dân đảo trong những năm tháng khó khăn nhất. Bà Huỳnh Thị Dinh kể lại thời quá khứ cách đây chưa lâu: “Ở đảo không trồng được lúa, vì vậy, cứ tới mùa tháng 3 là bà con lên rẫy tuốt đậu mèo về tích trữ để nấu ăn như cơm; cứ mỗi khi trời đổ mưa là cả làng đi trồng khoai lang”.

Nhiều cụ già trên đảo kể lại, hơn 300 năm về trước, một thương gia và cũng là thầy thuốc – thầy Sài Nại đã dạt vào đảo, rồi được Công chúa Bàn Tranh là người cai quản đảo ra tay giúp đỡ nên ở lại đảo để hỗ trợ cho người dân mở mang đời sống. Tưởng nhớ đến công ơn của ông và Công chúa Bàn Tranh, người dân đảo đã xây dựng 2 nhà thờ, lăng mộ. Đền thờ Công chúa Bàn Tranh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa, di tích nhà thờ, lăng mộ thầy Sài Nại được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Đảo Phú Quý rồi sẽ giống như viễn cảnh ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đó là dòng khách du lịch ra đảo tấp nập, khi đời sống phát triển thì người dân sẽ ồ ạt xây dựng nhà nghỉ, dỡ bỏ hết những ngôi nhà cổ một thời. Ở đảo Phú Quý, những ngôi nhà cổ được xây dựng bằng loại gạch táp lô, mái lợp bằng phiến ngói vảy hoàn toàn khác biệt so với đất liền. Bà Nguyễn Đỡ sống trong một ngôi nhà cổ cho biết: “Do mình nghèo nên chưa làm mới được, còn các gia đình khác thì đều dỡ ra làm lại”.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuần tra bên cột cờ chủ quyền Tổ quốc ở đảo Phú Quý. Ảnh: Văn Chương

Chị Nguyễn Thị Định, một du khách Hà Nội ra tham quan đảo Phú Quý và chia sẻ cảm tưởng: “Mấy trăm năm trước, điều kiện phương tiện rất khó khăn, vậy mà ông bà mình vẫn ra tới nơi này khai phá đảo, thực sự là những bậc tiền nhân có công lớn, đảo Phú Quý còn có thể mạnh là du lịch văn hóa truyền thống, du lịch tâm linh, nhưng qua đó, mọi người sẽ có trách nhiệm hơn đối với chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nhưng cũng hy vọng là người dân đảo giữ được những nét cổ kính, đừng biến đảo như thành phố”.

Đảo hoa, trái

Không có vùng đất nào, hoa lại được người dân chăm chút như ở đảo Phú Quý. Đi dọc các con đường thôn, xóm, nơi đâu cũng tràn ngập bóng hoa sứ trắng và thỉnh thoảng có hoa sứ đỏ xen vào. Hoa sứ thơm ngát vào ban đêm. Giữa không khí se lạnh của gió biển, mùi hoa sứ cứ lắng đọng, như thấm sâu vào từng hơi thở. Dọc các tuyến đường mới mở, địa phương đang tiếp tục trồng thêm cây xanh. Riêng trong năm 2023, địa phương đã trồng được khoảng 30.000 cây xanh các loại.

Trước đây, đường Hùng Vương được trồng nhiều hoa sứ nhất. Do thấy hoa đẹp, hương thơm ngào ngạt nên người dân ở nhiều thôn, xã trên đảo cũng trồng hoa sứ. Hoa nở rộ nhiều nhất là vào mùa Xuân. Những du khách ra tham quan đảo Phú Quý khá ấn tượng với những con đường nhỏ rợp bóng hoa sứ, cứ cách khoảng 5-7 mét có một cây hoa sứ.

Rời con đường hoa sứ và đi dọc bờ biển, cuối buổi chiều, nhiều người trở về với chiếc rổ hái hạt quan âm, một loại dược liệu để bán cho các tiệm thuốc bắc. Trong tài liệu Đông y, nó có tên là màn kinh tử, tác dụng chữa đau đầu, cảm sốt. Còn trên các con đường đi xuyên vào giữa lòng đảo, nhiều người trở về với chiếc gùi đầy quả dứa rừng đã chín đỏ. Dứa rừng phơi khô là một loại sản vật của đảo Phú Quý. Theo tài liệu Đông y, đây là dược liệu chuyên chữa bệnh sỏi thận.

Tháng Thanh niên, không khí hoạt động của những người trẻ lại diễn ra sôi nổi trên đảo, hơn 15.000 cây phi lao do Đoàn khối doanh nghiệp Trung ương phối hợp cùng với các đoàn viên, thanh niên và BĐBP trồng từ 2 năm trước đang phát triển tốt. Trong chuyến công tác ra đảo Phú Quý vào tháng 6/2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã biểu dương thành tích bảo vệ chủ quyền biển, đảo của 80 tổ đoàn kết với 530 tàu đánh bắt xa bờ. Thành tựu đó đã góp vào nhịp sống của đảo Phú Quý hôm nay.

Lê Văn Chương // https://www.bienphong.com.vn/

Views: 1116