Ngày 8/3/1975: Sư đoàn 320 đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn, cắt Đường 14
Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
NGÀY 8/3/1975: SƯ ĐOÀN 320 ĐÁNH CHIẾM QUẬN LỴ THUẦN MẪN, CẮT ĐƯỜNG 14
Sau khi thực hiện thắng lợi việc chia cắt chiến dịch và chiến lược, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên lệnh cho Sư đoàn 320 tiến công quận lỵ Thuần Mẫn – mục tiêu quan trọng đầu tiên của chiến dịch.

Đúng 6 giờ sáng ngày 8/3/1975, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 nổ súng tiến công quận lỵ Thuần Mẫn. Thuần Mẫn là quận lỵ nằm trên ngã ba Đường 14 và tỉnh lộ số 7B đi Cheo Reo, cách Buôn Ma Thuột khoảng 80 km và cách Pleiku khoảng 120km.
Sau hơn một giờ chiến đấu, đến 7 giờ 20 phút, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 làm chủ hoàn toàn Thuần Mẫn, diệt 1 Tiểu đoàn bảo an, 2 Trung đội cảnh sát và toàn bộ cơ quan chỉ huy chi khu quân sự Thuần Mẫn; thu 200 súng các loại và 18 xe cơ giới. Trong lúc đó, người dân ở Thuần Mẫn cũng nổi dậy phá 7 ấp chiến lược, giải phóng 27 buôn với 7.000 dân. Đường số 14, đoạn từ Pleiku đi Buôn Ma Thuột bị quân ta cắt hẳn. Quân địch chỉ có thể tăng cường cho Buôn Ma Thuột bằng đường hàng không.
Phát hiện quân ta đánh chiếm Thuần Mẫn, chiều cùng ngày, quân địch tăng cấp báo động trong thị xã Buôn Ma Thuột và quận lỵ Đức Lập, đồng thời, thúc ép Trung đoàn 53 cơ động gấp về bảo vệ thị xã. Địch còn vội vã dùng máy bay lên thẳng chở Liên đoàn 21 biệt động quân từ Kon Tum, phía Bắc Tây Nguyên, đổ bộ xuống sân bay Hòa Bình và Buôn Hồ (phía Nam Thuần Mẫn) để bảo vệ thị xã Buôn Ma Thuột.
Nhận thấy địch tăng cường lực lượng bằng đường hàng không cho Buôn Ma Thuột, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã lệnh cho các đơn vị pháo binh tổ chức bắn phá sân bay Cù Hanh; cụm pháo của Trung đoàn 675 được lệnh đưa một Tiểu đoàn pháo nòng dài vào chiếm lĩnh trận địa lâm thời, sẵn sàng bắn vào sân bay Hòa Bình khi địch đổ quân. Sư đoàn 968 cắt Đường 14 giữa Kon Tum và Pleiku, đồng thời bắn vào hai địa điểm này.
Cuối ngày 8/3/1975, sau khi kiểm tra lại tình hình, thấy Sư đoàn 10 đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị; các đơn vị khác cũng đã sẵn sàng tiến công vào thị xã, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên hạ quyết tâm: “Tiến công Đức Lập”.
* Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, trên mặt trận Trị-Thiên, 7 Tiểu đoàn bộ đội địa phương cùng 100 đội vũ trang công tác của ta đã thọc sâu xuống cùng lực lượng vũ trang tại chỗ của 8 huyện đồng loạt tiến công, tiêu diệt địch và giải phóng quận lỵ Mai Lĩnh. Ở Khu V, Sư đoàn 3 tiếp tục tiến công địch giải phóng Tiên Phước và Phước Lâm./.
Hoàng Yến // https://nvsk.vnanet.vn/
Nguồn: – TTXVN; – Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000; – Những chiến dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong Đại thắng mùa Xuân 1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010; – Sự kiện và những con số lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015; – Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019; – Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024. |
Views: 1