Ngày 5/3/1975: Quân ta làm chủ Đường 21 (đoạn Chư Cúc), chia cắt Tây Nguyên với đồng bằng

Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

NGÀY 5/3/1975: QUÂN TA LÀM CHỦ ĐƯỜNG 21 (ĐOẠN CHƯ CÚC), CHIA CẮT TÂY NGUYÊN VỚI ĐỒNG BẰNG

Sáng ngày 5/3/1975, Trung đoàn 25 đánh cắt Đường 21, làm chủ đoạn đường ở phía Đông Chư Cúc – con đường quan trọng thứ hai nối đồng bằng với Tây Nguyên. Tập đoàn địch phòng ngự ở Tây Nguyên bị cắt rời khỏi đồng bằng Khu 5, Buôn Ma Thuột bị cô lập.

Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các đỉnh cao ở Pleiku trong chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ảnh: TTXVN

Chiều cùng ngày, Trung đoàn 25 phục kích trên Đường 21 diệt 8 chiếc xe, trong đoàn xe gồm 15 chiếc của Trung đoàn 45 ngụy từ Pleiku về Buôn Ma Thuột. 7 chiếc xe còn lại của địch quay đầu chạy về Pleiku, trong đó có tên Đại tá Vũ Thế Quang, Sư đoàn phó Sư đoàn 24 của địch, được tướng ngụy Phạm Văn Phú cử về Buôn Ma Thuột kiểm tra tình hình.

Trong khi đó, Trung đoàn 9 của Sư đoàn 320 đánh cắt Đường 14 đoạn phía Bắc Thuần Mẫn. Đây là lần đầu tiên trong một chiến dịch, quân đội ta sử dụng tới hai Sư đoàn, hai Trung đoàn bộ binh làm nhiệm vụ đánh cắt đường giao thông.

Sau 2 ngày 4 và 5/3/1975, quân ta đã cắt đứt 3 tuyến đường bộ chủ yếu (Đường 14, 19 và 21) và nghi binh căng kéo địch có hiệu quả; bao vây và cô lập thị xã Buôn Ma Thuột, tạo điều kiện cho các đơn vị hoàn thành tốt công tác chuẩn bị, nổ súng đúng kế hoạch.

Như vậy, quân ta đã thực hiện hoàn hảo việc chia cắt chiến lược giữa Tây Nguyên với đồng bằng Trung Bộ, cắt đứt các con đường tiếp tế của địch từ các căn cứ liên hợp quân sự, hậu cần ở Cam Ranh, Quy Nhơn, Chu Lai, Đà Nẵng lên Tây Nguyên, chia cắt Buôn Ma Thuột với phía Bắc Tây Nguyên. Tuy vậy, cường độ các trận đánh của quân ta trên các hướng nghi binh chưa đủ để buộc địch phải quay sang xử lý ở Buôn Ma Thuột. Quân địch vẫn bị thu hút vào hướng Kon Tum, Pleiku. Thậm chí, chính cơ quan tình báo Mỹ cũng không đoán được ý định của quân ta. Chúng cho rằng: tuy có chú ý đến những dấu hiệu về sự chuyển quân không bình thường của Việt Cộng ở phía Tây và Bắc Buôn Ma Thuột, nhưng chúng tôi không dự kiến có một cuộc tiến công trực tiếp vào thành phố, mà chỉ dự kiến Việt Cộng sẽ tìm cách cắt đứt đường sá trong khu vực và cô lập thành phố.

Điều này chứng tỏ nghệ thuật nghi binh lừa địch của quân ta đạt đến mức điêu luyện, điều khiển quân địch di chuyển theo ý muốn của ta. Bởi vậy, trong các ngày 4, 5, 6 và 7/3/1975, địch chỉ dùng Liên đoàn 4 biệt động quân và Lữ đoàn 3 kỵ binh cùng với lực lượng bảo an giải toả Đường 19, đối phó với Trung đoàn 95A của ta. Ở hướng Đông Đường 19 – An Khê, địch dùng các Trung đoàn 40, 42 thuộc Sư đoàn 22 quân cộng hòa đối phó với Sư đoàn 3 thuộc Quân khu 5 của ta. Còn trên Đường 21, địch sử dụng 1 chi đoàn xe tăng, thiết giáp, cùng với học viên trường Biệt động quân ở Dục Mỹ và lực lượng bảo an đối phó với Trung đoàn 25 của ta ở phía Tây Khánh Dương. Hướng tiến công chủ yếu của ta ở Tây Nguyên vẫn được bảo mật./.

Hoàng Yến // https://nvsk.vnanet.vn/

Nguồn:

– TTXVN;

– Những chiến dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong Đại thắng mùa Xuân 1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010;

– Quyết định lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015;

– Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019;

– Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024.

Views: 1