Ngày 4/3/1975: Chiến dịch Tây Nguyên chính thức mở màn
Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
NGÀY 4/3/1975: CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN CHÍNH THỨC MỞ MÀN
Chiến dịch Tây Nguyên là đòn chiến lược then chốt mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đánh vào nơi hiểm yếu nhất của địch trên chiến trường miền Nam. Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra từ 4/3 đến 3/4/1975.

Xác định Tây Nguyên có vị trí chiến lược rất quan trọng, nên Mỹ – Ngụy đã biến nơi đây thành một căn cứ chiến lược lớn, hòng đè bẹp cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương, ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc vào và từ rừng núi xuống đồng bằng Khu 5.
Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. Lực lượng tham gia chiến dịch có 5 sư đoàn bộ binh (10, 320, 316, 3 và 968), 4 trung đoàn pháo binh độc lập (25, 95B, 271, 95), Trung đoàn 198 và 2 tiểu đoàn đặc công (14, 27), 2 trung đoàn pháo binh (40, 675), 3 trung đoàn phòng không (232, 234, 593), Trung đoàn tăng – thiết giáp 273, 2 trung đoàn công binh (7, 575), Trung đoàn thông tin 29 và lực lượng vũ trang các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Đức
Lực lượng địch ở Tây Nguyên có Sư đoàn bộ binh 23, 7 tiểu đoàn biệt động quân, 36 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn, 230 khẩu pháo, 150 máy bay thuộc Quân đoàn 2 – Quân khu 2. Nhìn chung, địch bố trí lực lượng mạnh ở khu vực phía Bắc Tây Nguyên, còn khu vực phía Nam được coi như hậu phương, nên chúng bố trí lực lượng mỏng hơn.
Chiến dịch Tây Nguyên chính thức mở màn bằng việc quân ta tiến công cắt đứt đường 19 – con đường tiếp tế chủ yếu của địch cho Tây Nguyên.
Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên ra lệnh cho Trung đoàn 95A: Đêm ngày 3 rạng ngày 4 tiến ra cắt đường số 19, trên đoạn phía Đông thị xã Pleiku.
Từ sáng đến trưa ngày 4/3/1975, Trung đoàn 95A đã tiêu diệt một loạt vị trí địch (trong đó có căn cứ Adun), cắt đứt và làm chủ một đoạn dài 20 km trên đường 19 phía Đông thị xã Pleiku, thực hiện đúng ý định của Bộ Tư lệnh Chiến dịch.
Cùng ngày, Sư đoàn 3 Quân khu 5 tiến công địch trên đường 19, đoạn từ An Khê đến Bình Khê. Sư đoàn đã tiêu diệt nhiều vị trí như: Cây Rui, Chóp Nón, Hòn Kiềng, Cột Cờ, Truông ối, Che Chẻ, Đồi Đá, chốt Lăng Mai Xuân Thưởng, Điểm cao 309, 334…, tiêu diệt hơn 300 tên của trung đoàn 47 Ngụy, làm chủ đoạn đường từ Thương Giang đến Bình Khê.
Như vậy, trong ngày mở đầu của Chiến dịch, đường 19 – con đường tiếp tế chủ yếu của địch cho Tây Nguyên đã bị cắt hoàn toàn.
Đêm mồng 4 rạng ngày 5/3/1975, Trung đoàn 25 phục kích trên đường 21, diệt một đoàn xe quân sự địch, làm chủ đoạn đường ở phía đông Chư Cúc. Tập đoàn địch phòng ngự địch ở Tây Nguyên bị cắt rời khỏi đồng bằng Khu 5./.
Thùy Linh // https://nvsk.vnanet.vn/
Nguồn: – TTXVN; – Những chiến dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong Đại thắng mùa xuân 1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010; – Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019; – Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024; – Từ trận Phai Khất Nà Ngần đến Chiến dịch Hồ Chí Minh”, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024. |
Views: 1