Ngày 17/3/1975: Quân ta giải phóng Gia Lai

Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

NGÀY 17/3/1975: QUÂN TA GIẢI PHÓNG GIA LAI

Gia Lai cùng với Kon Tum là 2 tỉnh giữ vị trí trọng yếu trong thế phòng thủ chiến lược thuộc Vùng 2 chiến thuật của địch ở Tây Nguyên.

Chớp thời cơ địch thất thủ tại Buôn Ma Thuột, phối hợp với bộ đội chủ lực, quân và dân tỉnh Gia Lai đã nổi dậy tấn công, truy kích, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2 của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 4 Tiểu đoàn biệt động quân, 1 Trung đoàn thiết giáp và nhiều đơn vị pháo binh, bảo an, dân vệ của địch.  Trưa ngày 17/3/1975, Trung đoàn 957 và lực lượng vũ trang Gia Lai tiến công giải phóng thị xã Pleiku. Tỉnh Gia Lai hoàn toàn giải phóng.

Bộ đội Gia Lai hành quân trên Đường 19 (1975). Ảnh: Xuân Quyết – TTXVN

Cùng lúc đó, lực lượng vũ trang địa phương cùng các đội công tác cũng chớp thời cơ phát động nhân dân nổi dậy giải phóng 53 buôn thuộc quận Phú Nhơn và Phú Thiện.

* Trên chiến trường phía Nam Tây Nguyên, Sư đoàn 10 bộ binh của ta tiếp tục tiến công cụm quân địch còn lại ở Phước An, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch cùng nhiều phương tiện chiến tranh.

Trung đoàn 24 và Trung đoàn 28 tập trung lực lượng đột phá theo trục Đường 21, tiến công làm chủ Phước An, loại khỏi vòng chiến đấu Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 44 ngụy và 3 Tiểu đoàn bảo an ở bản Ea Phê và Krông Bút. Địch thu nhặt 500 tàn binh, tổ chức co cụm ở Chư Cúc, đồng thời dùng phi pháo đánh chặn, ném bom dữ dội phá huỷ một số cầu cống trên dọc Đường 21, hòng ngăn chặn quân ta cơ động lên truy kích tiêu diệt quân rút chạy của chúng. Bộ đội ta nhanh chóng khắc phục cầu đường, kiên quyết truy kích cụm quân địch ở Chư Cúc.

Nghệ thuật quân sự ở Chiến dịch Tây Nguyên chính là thế trận “trói địch lại mà đánh”, ta chủ trương: “Chia cắt, vây hãm, vừa hãm vừa tiến công đột phá; vừa bí mật vừa nghi binh”. Trong ảnh: Các chiến sĩ đoàn Pleime (Gia Lai) thảo luận phương án đánh địch. Ảnh: Phú Tuấn – TTXVN

Cũng trong ngày 17/3/1975, theo lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, Sư đoàn 320 của ta đã hành quân về hướng thị xã Cheo Reo thực hiện nhiệm vụ truy kích địch. Lực lượng pháo binh của ta đã tập trung hỏa lực tiến công thị xã Cheo Reo làm cho địch hoang mang hốt hoảng tháo chạy. Thị xã Cheo Reo hỗn loạn, đường sá tắc nghẽn.

Khi quân địch rút chạy khỏi Cheo Reo khoảng 4 km gặp trận địa phục kích của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 từ phía Đông Đường 14 tiến đến Đường 7. Tại khu vực đèo Mơ Ria, bộ đội ta nổ súng chặn đầu, như một “mũi lao nhọn” cắt ngang đội hình địch và chặn đứng một lượng lớn quân địch ở khu vực thị xã. Hoảng sợ, cả đoàn xe cơ giới của địch lao ra hai bên Đường 7, xếp hàng ba, hàng bốn tháo chạy, một số lái xe sợ quá bỏ cả xe quay về Cheo Reo. Tại Cheo Reo chỉ có Liên đoàn 6 biệt động quân, Thiết đoàn 19, 1 tiểu đoàn pháo và một bộ phận công binh của địch chạy thoát về Củng Sơn.

Hoàng Yến // https://nvsk.vnanet.vn/

Nguồn:
– TTXVN;
– Thời khắc lịch sử: Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005;
– Những chiến dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong Đại thắng mùa Xuân 1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010;
– Sự kiện và những con số lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015;
– Quyết định lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015;
– Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019;
– Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024;
– Từ trận Phai Khắt, Nà Ngần đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024

Views: 1