Ngày 10/3/1975: Quân ta tiến công thị xã Buôn Ma Thuột

Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

NGÀY 10/3/1975: QUÂN TA TIẾN CÔNG THỊ XÃ BUÔN MA THUỘT

Buôn Ma Thuột có diện tích khoảng 25 km2 chạy dài trên một vùng đồi bằng với bình độ từ 420 đến 480 mét, là thị xã lớn có tầm quan trọng về quân sự, chính trị, kinh tế đối với Mỹ – Ngụy ở Tây Nguyên và đã được Bộ Tổng tư lệnh của ta chọn là mục tiêu then chốt quyết định trong chiến dịch mở màn mùa xuân năm 1975.

Xe tăng quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975 trong Chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sáng 10/3/1975, Sư đoàn 10 bộ binh tổ chức lại lực lượng, tiến công lần thứ hai và dứt điểm chi khu Đức Lập. Quận lỵ Đức Lập được hoàn toàn giải phóng. Bộ Tư lệnh Chiến dịch lập tức điều động một bộ phận lực lượng và phương tiện của Sư đoàn 10 bộ binh nhanh chóng chuyển về phía Đông thị xã Buôn Ma Thuột.

Đúng 2 giờ 3 phút ngày 10/3/1975, cuộc tấn công như bão lửa vào các mục tiêu then chốt ở Buôn Ma Thuột bắt đầu: đặc công đánh sân bay thị xã, lực lượng bộ binh đánh sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế. Cùng thời gian, hỏa tiễn H12 và các cụm pháo tập trung bắn vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy kéo dài cho đến sáng.

Cùng lúc đó, pháo chiến dịch chế áp mãnh liệt các mục tiêu: Sư đoàn bộ Sư đoàn 23, sở chỉ huy tiểu khu Đắk Lắk, trại pháo binh, thiết giáp của địch. Cuộc pháo kích kéo dài đến 6 giờ sáng, làm rối loạn và tê liệt cơ quan chỉ huy, tiêu hao một bộ phận lực lượng địch trong thị xã.

Trên hướng Đông Bắc, Trung đoàn 95B tràn lên đánh chiếm khu Ngã Sáu gần trung tâm thị xã.

Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột (1975). Ảnh: TTXVN

Trên hướng Tây Bắc, theo phương án tác chiến, Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) bắt đầu đánh chiếm khu pháo binh và khu thiết giáp, lúc 6 giờ sáng. Đến 15 giờ 30 phút, ta đánh chiếm được mục tiêu trên. Một bộ phận của Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) tiến theo đường Phan Bội Châu, đập tan cụm phòng ngự của địch ở trường trung học Bồ Đề, phát triển sang Ngã Sáu, bắt liên lạc với Trung đoàn 95B.

Trên hướng Tây-Tây Nam, Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) đánh chiếm khu kho Mai Hắc Đế. Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 24, Sư đoàn 10) được tăng cường một đại đội xe tăng và một đại đội xe bọc thép nhanh chóng vượt qua các ổ đề kháng của địch ở vòng ngoài, tiến công khu truyền tin và khu vận tải, áp sát căn cứ Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 ngụy.

Đến 17 giờ 30 phút ngày 10/3/1975, bộ đội ta đã chiếm được hầu hết các mục tiêu trong thị xã. Tổng thống Ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu và Tư lệnh quân đoàn 2 ngụy Phạm Văn Phú lệnh cho binh lính còn lại trong thị xã “tự thủ Buôn Ma Thuột bằng mọi giá” để chờ quân cứu ứng.

Đêm 10/3, Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận định: Trong ngày đầu tiến công vào thị xã, ta đã thu được những thắng lợi lớn, chiếm được hai mục tiêu quan trọng là sân bay và bộ chỉ huy tỉnh trưởng, khống chế được sân bay Hòa Bình. Sau khi phân tích tình hình, Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm nhanh chóng đánh chiếm căn cứ sư đoàn 23 và các mục tiêu còn lại trước khi địch đưa lực lượng dự bị đến ứng cứu.

Trận đánh Buôn Ma Thuột được mở màn từ 2 giờ 3 phút sáng 10/3 và kết thúc lúc 10 giờ 30 phút ngày 11/3/1975 đã đi vào lịch sử, là một trong những chiến thắng oanh liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trên Mặt trận Nam-Ngãi, ngày 10/3/1975, Quân khu 5 sử dụng Sư đoàn 2 giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm, uy hiếp Tam Kỳ (Quảng Nam); đồng thời đẩy mạnh tiến công địch ở các khu vực Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, uy hiếp thị xã Quảng Ngãi, đến ngày 24/3/1975 giải phóng hoàn toàn thị xã Tam Kỳ và hầu hết tỉnh Quảng Ngãi. Cùng thời gian với Chiến dịch Nam-Ngãi, quân dân ta đồng thời giải phóng Quảng Trị (19/3/1975), Huế (25/3/1975).

Thùy Linh // https://nvsk.vnanet.vn/

Nguồn:

– TTXVN;

– Những chiến dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong Đại thắng mùa xuân 1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010;

– Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân sự Việt Nam, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019; 

– Đại thắng mùa xuân 1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024.

Views: 2