Mấy điều kinh nghiệm

  … Nhưng đến nay, cán bộ và đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái. Đó là vì lẽ gì?
Vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực.


Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế.
Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình.
Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra.
Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác.
Họ không dám nói ra thì họ có để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác.
Kinh nghiệm là: Cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh “thì thầm thì thào” cũng hết.
Một người mà trong óc đã có uất ức, bất mãn, thì lời hay lẽ phải khó lọt vào bộ óc đó. Để cho họ tháo cái uất ức bất mãn đó ra, thì lời hay lẽ phải dễ lọt vào óc họ. Đó là một lẽ rất giản đơn. Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới. Có như thế thì cũng khác nào như một người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, mình tự thấy vết nhọ. Lúc đó không còn ai khuyên bảo, cũng tự vội vàng đi rửa mặt.
Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa.
     Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều.

Chúng ta cần phải nâng cao mở rộng dân chủ ra, khuyên gắng cán bộ và đảng viên, bày cho họ suy nghĩ, bày cho họ học hỏi quần chúng, cổ động họ tìm tòi, đề nghị, làm những việc ích lợi cho quần chúng”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.283-285.
(Sưu tầm)

Views: 401