Bình Thuận: Xây dựng mạng lưới phân phối nội địa và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho hàng Việt
Thông tin tuyên truyền: Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024
XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI PHÂN PHỐI NỘI ĐỊA VÀ THAM GIA VÀO CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU CHO HÀNG VIỆT
Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong năm 2023, tỉnh Bình Thuận tiếp tục tực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nhằm xây dựng mạng lưới phân phối nội địa, tạo nền tảng vững chắc để đưa sản phẩm Bình Thuận tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để người dân Bình Thuận tin và yêu hàng Việt
Tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023 trên địa tỉnh bàn Bình Thuận, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân Bình Thuận ngày càng tin và yêu hàng Việt.
Để thực hiện Kế hoạch, ngành Công Thương Bình Thuận đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt chất lượng, những địa chỉ doanh nghiệp uy tín để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt trên thị trường; tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu đúng và nâng cao trách nhiệm thực hiện các Hiệp định Thương mại khu vực, quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng như nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp Việt với hàng hóa nhập khẩu; đẩy mạnh tuyên truyền trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng và đăng ký thương hiệu hàng hóa, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất – kinh doanh; tiếp tục hướng dẫn các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh tổ chức phát động các đợt quảng bá, chương trình khuyến mãi gắn với tuyên truyền Cuộc vận động…
Đề ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; Hỗ trợ, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp sản xuất và phân phối thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt Nam bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, đặc biệt là tại khu dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó còn vận động, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, nhất là sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh trên địa bàn Bình Thuận được người tiêu dùng ưu thích và xúc tiến thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, phát triển thị trường trọng tâm trong tỉnh, trong nước.
Xây dựng mạng lưới phân phối hàng Việt tại các vùng nông thôn
Mỗi năm, Sở Công Thương Bình Thuận đã phối hợp với các doanh nghiệp và các đơn vị trong tỉnh tổ chức các Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện, thị của Tỉnh nhằm đưa hàng Việt đến tận tay người dân tại vùng sâu vùng xa.
Mỗi Phiên chợ thu hút hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia với hơn 30 gian hàng trưng bày đa dạng sản phẩm, hàng hóa như quần áo thời trang, giày dép, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, nước mắm truyền thống, nước giải khát, gạo ST25… trong đó có nhiều mặt hàng được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng Việt chất lượng cao.
Các doanh nghiệp tham gia Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn bên cạnh hoạt động bán hàng trực tiếp và áp dụng chương trình khuyến mãi nhằm tăng cường quảng bá thương hiệu còn tận dụng cơ hội tạo dựng mạng lưới phân phối hàng hóa xuống cấp huyện.
Ông Biện Tấn Tài – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, Trưởng Ban Tổ chức Phiên chợ hàng Việt về nông thôn cho biết, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa thiết thực. Qua đó góp phần giúp người tiêu dùng nhận thức đúng về khả năng sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam cũng như chất lượng sản phẩm, dịch vụ và xây dựng văn hóa tiêu dùng trên tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc. Đây còn là một trong những hoạt động tích cực trong triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Ông Hà Lê Thanh Chung – Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân cho biết, Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại mang ý nghĩa thiết thực. Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng cũng như tạo cơ hội tiếp cận các đầu mối bán lẻ nhằm hình thành mạng lưới tiêu thụ lâu dài tại địa phương. Mong rằng thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục quan tâm phối hợp tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn huyện Hàm Tân để phục vụ nhu cầu mua sắm hàng Việt chất lượng, giá thành hợp lý của bà con nơi đây.
Hàng Việt phủ sóng huyện đảo Phú Quý
Đảo Phú Quý là một huyện nhỏ thuộc tỉnh Bình Thuận có diện tích 16 km2, nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 120 km. Để đến được Phú Quý, bạn phải đến Phan Thiết rồi từ đây mua vé tàu ra đảo. Do đi lại khó khăn như vậy nên trước đây hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ở huyện đảo Phú Quý vừa thiếu thốn vừa đắt đỏ nhất là vào mùa biển động vận chuyển hàng hóa càng khó khăn hơn.
Nhưng ngày nay nhờ giao thông thuận tiện và các chính sách hỗ trợ của ngành công thương cũng như các ban, ngành, đoàn thể nên người dân huyện đảo giờ mua sắm dễ dàng nhờ hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại với giá cả phù hợp, góp phần thay đổi bộ mặt của huyện đảo và cải thiện đời sống người dân nơi đây.
Mỗi năm, Sở Công Thương Bình Thuận tổ chức 2 lần Phiên chợ đưa hàng Việt về hải đảo. Mỗi Phiên chợ hàng Việt tại Phú Quý thu hút hơn 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia với quy mô trên 30 gian hàng, tập trung giới thiệu đến người tiêu dùng ở huyện đảo đa dạng mặt hàng: Nước mắm, hải sản, giày dép, thực phẩm, gạo, nước giải khát, hóa mỹ phẩm… Trong đó có nhiều mặt hàng là sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận và của tỉnh bạn.
Các doanh nghiệp tham gia phiên chợ còn thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá giúp người tiêu dùng tiếp cận và mua sắm hàng Việt Nam chất lượng cao với giá thành hợp lý, phù hợp thu nhập của người dân huyện đảo.
Nhờ có các Phiên chợ hàng Việt mà gần 29.000 người dân trên đảo cũng như hàng ngàn du khách mỗi năm đến với huyện đảo đều chung cảm nhận về mạng lưới mua sắm, cung cầu hàng hóa của đảo Phú Quý ngày càng thuận tiện, sản phẩm phong phú không khác gì với đất liền.
Đưa sản phẩm Bình Thuận vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Trong tháng 3/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành, cơ quan liên quan thông tin về chương trình Diễn đàn, Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu giai đoạn 2023 – 2025. Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia giới thiệu, kết nối giao thương các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của Bình Thuận.
Theo đó, sở Công Thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các Hiệp hội ngành nghề phối hợp thông tin đến doanh nghiệp để đăng ký tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như: Hội chợ hàng Việt Nam Xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 5/2023 có quy mô khoảng 250 gian hàng của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Hội chợ này tập trung trưng bày, giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, trong đó ưu tiên các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn “xanh”. Tham gia Diễn đàn Liên kết vùng hướng đến Xuất khẩu xanh với chủ đề “Đẩy mạnh liên kết vùng hướng đến Xuất khẩu xanh” và Hội nghị Kết nối thông tin thị trường xuất khẩu với chủ đề “Nông sản Việt vươn xa” trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt Nam Xuất khẩu giai đoạn 2023 – 2025.
Hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký tham gia Đoàn giao dịch Xúc tiến Đầu tư – Thương mại Nhật Bản (do Bộ Công Thương phối hợp tổ chức từ ngày 23 – 29/7/2023 tại Tokyo, Osaka và Kyoto nhằm giới thiệu về môi trường kinh doanh của các địa phương và cơ hội đầu tư tại Việt Nam tới doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản. Xúc tiến kết nối giao thương giữa các địa phương, khu công nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản cũng như học tập mô hình xây dựng, quản lý và phát triển khu công nghiệp tại Nhật Bản…
Tham gia chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) vào giữa tháng 9/2023 tại TP. Hồ Chí Minh với sự góp mặt của nhiều tập đoàn phân phối bán lẻ lớn, dự kiến có: Aeon, Central Retail, MegaMarket, Walmart, Amazon, Carrefour, Costco, Decathlon, Coppel…
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, việc tham gia các sự kiện kết nối giao thương thị trường quốc tế là cơ hội để tăng cường quảng bá thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của Bình Thuận. Qua đó mở ra cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh: Thủy sản (đông lạnh và khô), nông sản (thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ trái thanh long, nhân hạt điều), hàng hóa khác (chủ yếu là sản phẩm may mặc, giày dép…).
Riêng với sản phẩm OCOP hiện có 70 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 – 5 sao, cùng với khoảng 60 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận được công nhận trong 3 năm gần đây cũng cần được tăng cường kết nối, giới thiệu để hướng đến xuất khẩu.
Đây là cơ hội tốt nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong tỉnh tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Mặt khác còn góp phần thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Nguyên Vỵ // https://tapchicongthuong.vn/
Views: 744