Lên đường sang Pháp đàm phán

Ngày 18-5, các báo ở Thủ đô lần đầu báo với đồng bào ngày sinh nhật của Hồ Chủ tịch:
Ngày 19 tháng 5. Dưới đầu đề: “Cụ Hồ với dân tộc Việt Nam”, báo Cứu Quốc ra ngày hôm đó viết: Ngày 19-5 này, năm mươi sáu năm trước đây (1980) đã ra đời một người: Hồ Chí Minh.

Bằng bàn tay khéo léo và cương quyết, chính ông đã khai sinh, đã nuôi nấng nhiều đoàn thể cách mạng Việt Nam. Tinh thần hoạt động của hầu hết các chiến sĩ Việt Nam đều do bàn tay tài tình của ông hun đúc…”.
Bài báo đã nói tới những cống hiến của Hồ Chủ Tịch đối với cách mạng Việt Nam và nêu ý nghĩa lớn của ngày 19 tháng 5.
Lần đầu tiên, toàn dân tộc Việt Nam được biết ngày sinh của Hồ Chủ tịch. Người đã có công lớn đổi đời cho cuộc sống của nhân dân ta. Chúng ta chuẩn bị tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Người. Anh em đều biết ý Bác nên đã làm thật đơn giản.
Cũng ngày hôm đó, Đác-giăng-li-ơ tới Hà Nội Đây là lần đầu tiên, viên thượng sứ Pháp đến Thủ đô nước ta. Mục đích của việc viếng thăm này cũng mờ ám như những mưu đồ của y. Trong cuộc gặp gỡ ở vịnh Hạ Long, viên thượng sứ thỏa thuận với Hồ Chủ tịch muộn nhất vào ngày 31 tháng 5, phái đoàn đàm phán chính thức của Chính phủ sẽ lên đường sang Pháp. Ngày 31 tháng 5 sắp tới. Tình hình chính trị tại nước Pháp còn bê bối. Các đảng phái đang lao vào cuộc tranh cử. Chức Thủ tướng Chính phủ Pháp trong thời gian tới chưa biết vào tay ai. Đác-giăng-li-ơ không muốn để phái đoàn của Chính phủ Việt Nam tới đàm phán ở nước Pháp trong một tình hình như vậy. Mặt khác, các vai tuồng của Xê-din chưa sẵn sàng để diễn trò “Nam Kỳ tự trị”. Chính phủ Pháp cũng chưa chính thức phê chuẩn giải pháp chính trị này của viên thượng sứ ở Nam Kỳ. Do những lẽ đó, Đác-giăng-li-ơ muốn đề nghị với Hồ Chủ tịch hoãn ngày lên đường của phái đoàn Chính phủ ta qua Pháp. Y còn gian ngoan định nhân chuyến đi Hà Nội này đánh tiếng trước với ta về việc “nước Nam Kỳ tự trị” sắp thành lập nay mai…
Sáu giờ chiều hôm đó, Đác-giăng-li-ơ cùng tướng Va-luy và Cơ-rê-panh đến Bắc Bộ Phủ để chào Hồ Chủ tịch.
Cụ Huỳnh, cụ Tố và một vài anh em chúng tôi cùng dự buổi tiếp khách với Bác. Khi nâng cốc chào mừng viên thượng sứ. Bác nói:
– Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới lấy làm sung sướng được đón tiếp người thay mặt nước Pháp. Sau cuộc hội thương tại vịnh Hạ Long, hội nghị trù bị Đà Lạt và cuộc giao hảo của phái đoàn Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Pháp ở Pari, hôm nay, với việc ngài đến thăm Hà Nội, cuộc bang giao Việt – Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới.
Đác-giang-li-ơ đáp lại với một thái độ nhã nhặn:
– Ngày mai là lễ sinh nhật của Chủ tịch, tôi xin chúc mừng Chủ tịch trường thọ, và tôi tin rằng từ đây tình thân thiện của nước Pháp và nước Việt Nam sẽ càng ngày càng chặt chẽ thêm và càng thân mật hơn nữa.
Sáng sớm ngày 19-5, các đồng chí trong Thường vụ và trong Chính phủ tới chúc thọ Bác. Đây cũng là một dịp hiếm hoi mà chúng tôi được quây quần bên đông đủ bên Bác vào đúng ngày sinh nhật của Người.
Tiếng trống ếch rộn ràng trước cửa Bắc Bộ Phủ. Các cháu đã tới. Bác Hồ ra đón các cháu vào. Hơn một chục em bé gái, trai thay mặt cho toàn thể thiếu nhi ngoại thành đến chúc thọ Bác. Trong các em, có em hằng ngày vẫn phải đi bán báo, có em là trẻ mồ côi ở trường trẻ mồ coi Hàng Bột. Các em đua nhau gắn Huy hiệu Măng non thẳng lên áo Bác, tặng Bác những chứ “i”, “t” tượng trưng cho phong trào “bình dân học vụ”, những tập sách nhỏ in tài liệu và bài hát của Hội Nhi đồng cứu quốc.
Quà của Bác Hồ cho các cháu bé năm đó là một cây bách tán. Bác chỉ cái cây nhỏ lá rất xinh trồng trong chậu, nói:
– Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau cái cây này sẽ mọc ra một trăm cái tán. Các cháu về chăm cho cây lớn, cây tốt thế là cách cháu yêu Bác lắm đấy!
Các em vui mừng hát một bài cảm ơn Bác. Khi các em vào khênh chậu cây bách tán đi ra thì một đoàn hơn năm chục anh , chị bước vào phòng. Các anh đều mặc áo ka-ki, các chị vận quần áo bà ba đen. Đây là những người thay mặt cho miền Nam đang chiến đấu tới chúc thọ Bác.
Sau khi nghe lời chúc mừng của các anh chị, Bác nói:
– Tôi xin cảm ơn các anh chị Nam Bộ đã đến chúc thọ tôi. Thật ra, các báo ở đây đã làm to cái ngày sinh của tôi, chứ tuổi năm mươi sáu chưa có gì đáng được chúc thọ, cũng hãy còn như là thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật lấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình.
Hai giọt lệ chảy trên gò má Bác. Các anh chị Nam bộ đều rưng rưng nước mắt.
Lát sau, Ban vận động Trung ương Đời sống mới vừa được thành lập tháng trước theo sắc lệnh của Chính phủ, đến chúc thọ Bác. Nhân được gặp Bác, các đại biểu đề nghị Bác nêu ra cho cuộc vận động một khẩu hiểu, Bác nói:
– Các chú muốn có một khẩu hiệu ư? “Cần, kiêm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Khẩu hiệu đó!
Một đại biểu thưa với Bác, khẩu hiệu này đã quen thuộc, xin Bác cho một khẩu hiệu mới cho hợp với cuộc vận động Đời sống mới.
Bác cười rồi nói:
– Hằng ngày ta ăn cơm, uống nước, phải thở khí trời để mà sống. Những việc đó, ngày xưa ông cha ta phải làm, bây giờ chúng ta phải làm, con cháu chúng ta sau này cũng phải làm. Vậy ăn cơm, uống nước và thở khí trời để đem lại cuộc sống cho con người thì ở đó là những việc không khi nào trở thành cũ cả. “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” đối với Đời sống mới cũng vậy.
Cũng ngày hôm đó, một phóng viên của hãng thông tấn Pháp AFP tới xin phỏng vấn Bác về cuộc hội nghị đã bi đứt quãng ở Đà Lạt, Bác trả lời:
– Đại biểu của hai nước đã nói rõ lập trường của mình một cách trung thực, thẳng thắn, đôi khi đến tàn nhẫn. Đó là một phương pháp hay. Vì nhờ vậy bây giờ chúng ta hiểu nhau hơn trước. Về một vài điều, hai bên đã thỏa thuận, vẫn còn có những sự bất đồng ý kiến. Nhưng cuộc hội nghị vừa qua chỉ là cuộc hội nghị trù bị. Nhiệm vụ của hội nghị ở Pa-ri là phê chuẩn những thỏa thuận đã thực hiện được ở Đà Lạt và dung hòa các quan điểm xung đột nhau. Các cuộc xung đột ý kiến không đến nỗi không giải quyết được. Hai dân tộc phải thỏa thuận với nhau để thực hiện một cuộc hợp tác thân thiện. Chúng ta sẽ đặt một nền tảng vững chắc cho cuộc đàm phán sau này.
Trước những hoạt động phá hoại của bọn phản động Pháp, Người vẫn tìm mọi cách ngăn chặn để nếu không tránh được một cuộc chiến tranh thì ít nhất cũng kéo dài được thời gian hòa hoãn.
Suốt mấy ngày ở Hà Nội, Đác-giang-li-ơ ra sức trình bày với Hồ Chủ tịch là nên lui lại một thời gian nữa ngày lên đường của phái đoàn Việt Nam đi Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức. Đác-giang-li-ơ cố chứng minh rằng sở dĩ phải làm như vậy chính là vì lợi ích của cuộc đàm phán và của nước Việt Nam. Trong câu chuyện, Đác-giang-li-ơ khéo đả động đến một “khó khăn” hiện tại là y “không thể cứ tiếp cục cản trở nguyện vọng đòi tự trị của người dân Nam Kỳ”. Y muốn biện bạch trước cho việc làm phản bội của mình nay mai đối với bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3.
Tất cả những lời lẽ khôn khéo không che đậy được những mưu mô và những việc làm xấu xa đã quá lộ liễu của y. Chúng ta biết rõ một ngày chậm đi đến cuộc đàm phán chính thức là thêm một ngày Đác-giang-li-ơ và bọn phản động tại Đông Dương thực hiện chính sách “việc đã rồi”. Bác kiên quyết đòi viên thượng sứ phải để nguyên thời hạn lên đường của phái đoàn Việt Nam như đã thỏa thuận từ trước tại vịnh Hạ Long: chậm nhất là vào cuối tháng 5 năm 1946. Công việc thuyyết khách làm không xong, ngày 22 tháng 5, Đác-giang-li-ơ thất vọng trở về Sài Gòn.
Các báo tại Hà Nội đưa tin: Ngày 31 tháng 5 phái đoàn Việt Nam sẽ lên đường đi Pháp dự cuộc đàm phán chính thức.
… Với việc ký Hiệp định Sơ bộ, Bác đã nhìn thấy một cơ hội mà ta cần hết sức tranh thủ để mở rộng sự tuyên truyền quốc tế. Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương ngày 9 tháng 3 còn nêu ra: “Liên lạc mật thiết ngay với Đảng Cộng sản Pháp để thực hiện sự hành động chung giữa ta và các đồng chí Pháp”. Trong những năm nước Pháp bị chiếm đóng, những người cộng sản Pháp đã dẫn đầu phong trào nhân dân chiếm đấu chống bọn phát xít Đức để giải phóng đất nước. Đảng Cộng sản Pháp đã có uy tín lớn trong quần chúng. Mặc dù vấp phải sức chống trả mạnh mẽ của lực lượng phản động, cuộc đấu tranh cho dân chủ và tiến bộ ở nước Pháp đang giành được những thắng lợi. Bác hiểu rõ phong trào của nhân dân Pháp có liên quan mật thiết với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của ta.
Vì những lý do trên, Thường vụ đã nhận thấy cần đòi Pháp phải mở đàm phán chính thức ở Pa-ri. Cuộc đàm phán mở ra tại Pa-ri chắc chắn sẽ giành được sự đồng tình ủng hộ của dư luận tiến bộ Pháp, sẽ đỡ được sự gây rối của một số tên thực dân và bọn cai trị mà quyền lợi gắn liền với chế độ thuộc địa. Dù cho cuộc đàm phán không đạt kết quả như mong muốn, thì cũng là một dịp để có thêm nhiều người hiểu cách mạng Việt Nam. Điều đó sẽ có lợi cho cuộc đấu tranh lâu dài của ta về sau này.
Tuy nhiên, chọn Pa-ri làm nơi mở đàm phán, ta cũng có những khó khăn. Nhiều đồng chí lãnh đạo phải đi xa trong cùng một thời gian. Cuộc đàm phán chắc sẽ kéo dài trong khi tình hình ở nhà có thể xảy ra những đột biến. Bác đã trao đổi với các anh em về việc Bác có nên đi Pháp trong dịp đàm phán này không. Trước đây, Bác đã có lần bị bọn phản động Pháp kết án tử hình. Trong trường hợp cuộc điều điều gặp khó khăn, nếu Pháp trở mặt, thì không phải không đáng ngại. Sau khi cân nhắc, Bác và các anh nhất trí, Bác sẽ cùng đi với phái đoàn.
Đoàn đại biểu của ta do anh Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, gồm các anh: Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính… Nguyễn Trường Tam có tên trong phái đoàn nhưng cuối cùng y cáo bệnh không đi. Mấy ngày sau, Quốc dân Đảng giải thích Tam làm như vậy là để tỏ thái độ không đồng tình của chúng tôi với việc thương lượng giữa ta và Pháp. Bác cùng đi nhưng không ở trong phái đoàn. Bác tới nước Pháp với tư cách là thượng khách do Chính phủ Pháp mời.
Ngày lên đường của Bác và phái đoàn đã tới.
Ngày 30 tháng 5, dưới trời mưa tầm tã, năm vạn đồng bào Thủ đô đội ngũ chỉnh tề, kéo tới Việt Nam học xá dự cuộc mít-tinh. Mọi người giương cao những khẩu hiệu: “Nam Bộ là đất Việt Nam”, “Đất nước Việt Nam toàn vẹn”, “Ủng hộ Hồ Chủ tịch”, “Ủng hộ phái bộ”, “Gửi lời chào nhân dân Pháp”,…
Lần đầu, trong một chuyến Người đi xa, đồng bào đến tiễn đưa Người.
7 giờ 30, Bác và phái đoàn tới. Cùng dự mít-tinh hôm đó có Xa-lăng, người được cao ủy Pháp chỉ định đi theo Bác trong cuộc hành trình. Bác nói:
– Theo mệnh lệnh của Chính phủ và ý chí của quốc dân, tôi cùng đoàn đại biểu sẽ đi Pa-ri mở cuộc đàm phán chính thức… Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết tranh được chính quyền, nhẫn nhục cố gắng cũng vì mục đích đó. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, toi cũng chỉ theo đuổi một mục đích là làm cho ích nước lợi dân. Lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ cố gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân…
Bác đề ra bốn điều cần làm để giúp cho cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi:
– Một là đoàn kết chặt chẽ, tránh mọi sự chia rẽ.
– Hai là ra sức cần, kiệm cho khỏi nạn đói khó.
– Ba là ra sức giữ gìn trật tự, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ.
– Bốn là đối với các kiều dân nước ngoài, phải tử tế, ôn hòa.
Suốt buổi chiều và đêm hôm đó, những đoàn xe từ các ngả đường nối nhau chạy vào Hà Nội. Các tỉnh cử đại biểu về Thủ đô tiễn Bác và phái đoàn Chính phủ sớm hôm sau lên đường. Mỗi xe đều mang ảnh Hồ Chủ tịch và dán đầy khẩu hiệu.
Sáng 31, Bác dậy sớm. Người viết một bức thư gửi đồng bào Nam Bộ:
“…Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!
Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi Năm ngón tay cũng có thể ngón ngắn ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này người thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng ít nhiều lòng yêu nước. Đối với những đồng bào lạc lỗi lầm đường, ta phải lấy tinh thần nhân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lại chắc chắn sẽ vẻ vang”.
Các anh trong phái đoàn đến Bác Bộ Phủ trang phục tề chỉnh. Bác ở buồng bên đi ra, vẫn bộ quần áo vải vàng thường ngày, chỉ khác một chút là bữa đó Bác đi một đôi giày da màu đen.
Từ mờ sáng, đồng bào mang theo cờ, ảnh nườm nượp kéo sang Gia Lâm. Cờ bay đỏ cầu Long Biên. Thời tiết vẫn xấu. Bầu trời mây phủ kín dường như cùng chia sẻ nỗi lòng người dân đất nước sáng nay tiễn Bác đi xa.
Sân bay đông nghịt người. Hồ Chủ tịch đi một vòng chào các đại biểu và đồng bào. Đồng bào vẫy cờ, vỗ tay hoan hô và chen lấn nhau ra phía trước để được nhìn rõ Người trước khi ra đi.
Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới níu tay cụ Huỳnh nói:
– Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu. Ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biết ứng vạn biến” (Lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi).
Cụ Huỳnh rất cảm động, cầm tay Bác hồi lâu. Bác đã ủy nhiệm cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi vắng.
Bỗng Bác gọi các đại biểu trong phái đoàn lại. Anh Đồng và các anh đứng quây quanh Người. Một phút im lặng trang nghiêm. Bác nói:
– Anh em chúng ta mang trọng trách ra đi, đứng trước mặt quốc dân đồng bào đây, chúng ta phải hứa dù gặp gian nan thế nào cũng phải nhất trí đoàn kết để làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ quốc.
Các anh cùng giơ tay hô to: “Xin thề!”
Đất nước tiễn Người ra đi gửi gắm vào Người một niềm tin toàn vẹn.
Hai chiếc máy bay quân sự chở phái đoàn nối nhau rời sân bay, khuất dần vào nền trời đầy mây.
Riêng chúng tôi hôm ấy còn có một nỗi lo lắng mà không ai dám nói ra. Hồi đó luôn luôn xảy ra tai nạn máy bay ở dọc đường.
Dường như Bác hiểu nỗi lo âu canh cánh của đồng bào và chúng tôi nên qua mỗi chặng đường. Bác lại gửi điện về. Bức điện đầu tiên của Bác đề ngày 2 tháng 6 năm 1946, khi Bác tới Ấn Độ, Bác viết: “Chúng tôi đã tới Can-quýt-ta được bình yên cả sau một đêm ngủ ở Pê-ru (Răng-gun). Hôm tới chúng tôi sẽ lại lên đường. Chúng tôi nhờ Chính phủ cảm ơn đồng bào ta và các bạn Pháp đã tiễn chúng tôi ở Gia Lâm. Tôi gửi những cái hôn cho các cháu…”
(Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Trích “Kể chuyện Bác Hồ tập 7”, trang 265– 275; Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2018. – 319tr.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Thiếu nhi: TN/VN.030074
Phòng Mượn: MVV.037614

Views: 7908