Học tập theo cách nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Câu hỏi này không có gì mới. Câu trả lời càng không. Bởi tự bao giờ, từ người nông dân chân lấm tay bùn đến các học giả uyên thâm đều thừa nhận Hồ Chí Minh là bậc thầy nói và viết. Người nói và viết, từ chuyện đơn giản nhất đến điều hệ trọng nhất đều rất dễ hiểu; giản dị mà không nôm na, đại chúng, bình dân mà không tầm thường, dễ dãi. Tất cả đều ngắn gọn, hàm súc, không hề làm ra vẻ cao siêu mà vẫn đầy chất trí tuệ. Bút pháp và phong cách của Người biến hóa vô cùng sinh động. Khi cụ thể, trực quan: “Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”. Khi hết sức kiệm lời mà mỗi câu từ lại mang sức nặng của một tuyên ngôn: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” hay “Dân cường thì quốc thịnh”. Khi chân thành khảng khái: “Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh, Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”. Lúc đanh thép, kiên quyết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Lại có khi hồn hậu, khiêm nhường: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Và cũng không kém phần hài hước, ý nhị. Chẳng hạn, khi phê phán thói ham chuộng hình thức, Người nói: “Thí dụ, ngày nay tập quân sự, cốt là biết bắn súng, dùng dao, ném lựu đạn, dùng địa thế, khéo mò đêm, khéo trinh thám, nói tóm lại, cốt tập cho mọi người biết đánh du kích. Thế mà có nhiều nơi chỉ để thì giờ tập một hai, một hai”. Thế thì khác gì tập lễ nhạc để đi chữa cháy”.
Vậy là, với Hồ Chí Minh, nói và viết đã vượt qua giới hạn của kỹ năng sử dụng ngôn từ thuần túy, trở thành một nghệ thuật, thứ nghệ thuật giàu khả năng chinh phục, đi thẳng vào lòng người đọc, người nghe.
Vì sao phải học tập cách nói và cách viết của Bác Hồ? Vì mấy lẽ: một là, vì nói và viết là hai kỹ năng quan trọng của con người. Muốn làm chủ quá trình tư duy và nâng cao hiệu quả giao tiếp, mỗi người chúng ta đều phải trau dồi khả năng nói và viết; hai là, đối với đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là với người lãnh đạo, kỹ năng nói và viết càng cần thiết hơn, một người lãnh đạo có ý tưởng tốt mà không làm cho quần chúng và cấp dưới hiểu được ý tưởng đó, thì sẽ gặp rắc rối trong điều hành, quản lý. Cấp trên mà nói nhạt, nói lặp, nói dài, nói rỗng, nói không chuẩn mực, cấp dưới sẽ buồn ngủ, chán nản, thậm chí xem thường. Học tập Bác, chúng ta phải học:
– Thứ nhất là, dù nói hay viết, trước hết đều phải xác định đúng và trúng đối tượng. Xác định sai đối tượng chắc chắn sẽ thất bại, giống như “đưa giá trị thặng dư nhồi sọ cho thanh niên và phụ nữ nông dân, đưa tân dân chủ nghĩa nhồi sọ các em nhi đồng, đưa biện chứng nhồi sọ công nhân đang học quốc ngữ”. Về vấn đề này, chúng ta có thể thấy rất rõ sự biến hóa và uyển chuyển của “bậc thầy” Hồ Chí Minh trước từng đối tượng, trong từng tình huống.
Với nông dân, Người nói theo cách nói của họ, mộc mạc, đơn sơ mà đầy thôi thúc:
“Ruộng rẫy là chiến trường
Cuốc cày là vũ khí
Nhà nông là chiến sỹ
Hậu phương thi đua với tiền phương”
Với phụ nữ, từ nỗi e ngại của họ, Người khuyến khích: “Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng và Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi mà phải tự đấu tranh phấn đấu giành lấy.”
Với đồng bào miền Nam, trong bối cảnh Nam Bộ kháng chiến, Người làm ấm lòng đồng bào bằng sự quả quyết: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”
– Thứ hai là, nói hay viết đều phải ngắn gọn, súc tích.
Hồ Chí Minh không thích viết dài, Người giải thích: “Hiện nay, trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy, cho nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy” .
Người gọi căn bệnh mà những ông Đại biểu, bà Đại biểu “nói hàng hai, ba giờ đồng hồ, nói gì cũng có, chỉ chừa một điều không nói đến là những việc thiết thực cho địa phương đó, những việc mà dân chúng ở đó cần biết, cần hiểu, cần làm” là bệnh “nói mênh mông”.
Người chê lối viết “dài, dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác, trường giang đại hải” là lối viết rau muống, dài dòng, rỗng tuếch. Và Người xếp cả bệnh “nói mênh mông”, “văn rau muống” vào cùng một hiện tượng có tên là “thói ba hoa”. Rồi không ngần ngại mà Người đặt tiêu đề: “Chống thói ba hoa” cho một phần lớn trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của mình.
– Thứ ba là, nói hay viết về vấn đề gì cũng cần phải giản dị, dễ hiểu.
Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và nói đều luôn dễ hiểu? Vì Người muốn cho người xem, người nghe “hiểu được, nhớ được, làm được”. Bởi vậy, “phải viết cho đúng trình độ của người xem, người nghe, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng nhiều chữ”. Người khuyên: “Chớ ham dùng chữ. Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng. Những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta, bất đắc dĩ thì mới phải dùng chữ”. Đừng nói “các đồng chí phải luyến ái nhau” trong khi đáng ra phải dùng từ “thân ái”. Nhưng cũng không thể nói kiểu “Việt Nam một mình”, trong khi cần thiêt phải dùng từ Hán Việt “độc lập”.
Những lời dạy của Hồ Chủ tịch cho đến nay vẫn không hề cũ, nhất là trong điều kiện chúng ta mở rộng hội nhập quốc tế, bệnh sính dùng từ ngoại, “tiếng Việt đá tiếng Anh” đang rộ lên như một thứ mốt, một biểu hiện của sự sành điệu, nhất là trong giới trẻ. Những lời dạy ấy càng phải quán triệt đối với những cán bộ, công chức vì họ không chỉ là những người trực tiếp tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật ấy. Hơn ai hết, họ cần phải “học cách nói cho quần chúng hiểu”.
– Thứ tư là, nói và viết đều nên cẩn trọng, phải kiên trì và công phu.
Hồ Chí Minh không tán đồng lối làm việc “lụp chụp, cẩu thả”, nhất là trong khi nói và khi viết. Người đề cao khâu chuẩn bị: “nhiều người, trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc ra nói hoặc lắp lại những cái người trước đã nói hoặc lắp đi lắp lại cái mình đã nói rồi, lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn. Nói nữa thì chán tai”. Người đề cao việc: “Viết rồi thì phải đọc đi đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại”. Vậy là, cùng với lời khuyên phải “nghĩ cho chín”, phải “sắp đặt cẩn thận”, Bác còn lưu ý chúng ta không nên giữ lòng tự ái cá nhân. Người khẳng định: “Nói tóm lại, viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ”.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, cán bộ, công chức phải nhận ra một thực tế: nói và viết trong quản lý hành chính Nhà nước, nếu qua loa, đại khái, cẩu thả, dễ dãi, hậu quả là khôn lường. Một phát ngôn tùy hứng trong một phút giây nông nổi có thể lan truyền với tốc độ nhanh khủng khiếp trên các phương tiện truyền thông, làm náo động dư luận. Một quyết sách vội vã có thể bắt cả xã hội phải trả giả và đưa uy tín của người lãnh đạo về số không. Vì vậy, suy ngẫm lại lời của Hồ Chí Minh không bao giờ thừa: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.
– Thứ năm là, muốn nói và viết tốt nhất thiết phải chịu khó học hỏi, tích lũy, phải không ngừng nâng cao vốn liếng hiểu biết.
Hồ Chí Minh rất thực tế, Người cho rằng muốn viết phải có tài liệu. Và để trả lời cho câu hỏi “ Lấy tài liệu đâu mà viết?”, Người chỉ ra 5 cách để tìm. Đó là: nghe, hỏi, thấy, xem và ghi.
Nghe là lắng tai nghe cán bộ, chiến sỹ, đồng bào.
Hỏi là nắm tình hình ở các nơi từ những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội.
Thấy là phải đến tận nơi để xem xét.
Xem là phải nghiên cứu, phải đọc báo chí, sách vở, nguồn báo chí sách vở càng đa dạng càng tốt.
Ghi là chép lại những gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được để dùng mà viết. Nghĩa là phải đầu tư, phải chịu khó.
Bài học này thiết thực đối với tất cả chúng ta, nhất là những người làm công tác tham mưu về soạn thảo nội dung, cần phải tích cực học tập cách nói và viết như Bác để ngày càng nâng cao năng lực của bản thân, chất lượng tham mưu ngày một tốt hơn./.
(st)
Views: 1489