Hành lý đáng kể nhất

Cuối năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trong nước có việc sang Côn Minh. Bác sống ở nhà tôi trong mấy tháng. Mãi mãi sau này tôi còn nhớ những ngày được gặp Bác lần ấy. Bây giờ ngồi kể lại, tôi cứ bồi hồi như đang nâng niu trong tay vật gì thiêng liêng quý báu lắm, chỉ sợ sểnh tay không giữ được trọn vẹn. Tôi chỉ sợ nhớ không được hết, ghi không được đúng hình ảnh Bác trong những ngày đầy ánh sáng ấy của đời tôi.


Bác tới vào một buổi chiều mùa đông. Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy Bác gầy quá. Đôi mắt Bác vẫn trong sáng, hiền từ như thế, nhưng đôi gò má của Bác cao lên. Da Bác không được đỏ đắn, tóc Bác đã bạc nhiều… Bác mặc một bộ quần áo nhuộm chàm phai màu; trời rét, Bác khoác thêm một cái áo bông ngắn sờn vai. Lúc tới, Bác đi đất, đầu đội một cái mũ vải cũng nhuộm chàm.
Nhà tôi là một tiệm cà phê. Hồi ấy tôi chưa được tham gia tổ chức, mới còn là một người cảm tình, nhà tôi là một cơ sở hoạt động của Đảng ở Côn Minh. Tôi thu xếp mời Bác nghỉ trong một căn buồng trên gác, một căn buồng chật hẹp chỉ đủ kê một cái giường Bác nằm và một cái bàn Bác làm việc, nhưng có một khung cửa sổ. Thu xếp xong chỗ nghỉ cho Bác, chúng tôi soạn lại hành lý của Bác. Việc này phải nhờ mấy anh cùng đi với Bác – anh Phùng Thế Tài và một đồng chí người dân tộc thiểu số lúc ấy tên là Minh. Thực ra cũng chẳng có gì mà soạn. Hay nói cho đúng, những thứ Bác mang theo đều nên bỏ, đều nên thay cả, kể từ cái khăn mặt đến cái ống đựng thịt muối. Cái khăn mặt của Bác nhuộm chấm bạc thếch đã rách gần hết. Đôi giầy của Bác mang theo càng rách hơn, Bác đi đến nỗi lòi cả chân ra. Còn ống thịt muối? Hai anh Phùng Thế Tài và Minh ngày ấy còn rất trẻ. Các anh mở nắp ống thịt muối ra, lắc đầu kể lại cho chúng tôi nghe về “món thịt” ấy dọc đường. Các anh bảo đúng ra phải gọi là “muối thịt”, vì thực tình đến chín phần muối mới có một phần thịt. Dọc đường vượt biên giới, mỗi ngày đi bộ, đến nơi phải nấu ăn, người nấu niêu cơm, người đi hái rau rừng, muối ấy và vài miếng thịt bỏ vào nấu canh. Ăn được nhiều, ít, Bác vẫn theo kịp hai anh đường trường, dốc núi. Hành lý của Bác, đáng kể nhất chính là ống thịt muối ấy. Nhưng cả ống thịt muối, chúng tôi cũng muốn bỏ  đi, khi nào Bác về sẽ làm ống khác.
Bác không cho làm thế, không cho vứt bỏ thứ gì cả, Bác bảo: đồng bào, các đồng chí ở nhà còn khổ, những thứ ấy còn dùng được. Nhất là ống thịt muối, không nên phí phạm. Cùng lắm, Bác mới cho mua cái khăn mặt, và, vì công việc cần thiết, Bác mới cho mua đôi giày vải. Lúc nhà tôi đi mua, Bác còn dặn mua đôi ít tiền bằng vải thường thôi. Chiếc khăn mặt mua về, Bác lại đem nhuộm xanh, còn đôi giày vải, Bác phê bình nhà tôi đã mua một đôi loại kha khá.
Đường xa lâu ngày, lại lội suối, leo núi, Bác tới nơi thì mệt. Bác không cho đưa đi bệnh viện, sợ có những việc bất trắc. Bác chỉ cho nhà tôi mua vài ống thuốc tiêm; rồi hàng ngày tiêm cho Bác. Cũng may sao, chỉ một tuần sau, Bác bình phục và bắt tay vào công việc.
Thời gian Bác lưu lại Côn Minh khoảng gần ba tháng. Suốt ba tháng ấy, sinh hoạt hàng ngày của Bác rất nền nếp, đều đặn. Chúng tôi bảo nhau có thể có xem lúc nào Bác làm gì là biết mấy giờ, không cần phải xem đồng hồ.

Trích trong Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Sđd, t.1, tr.346-347.
(Tống Minh Phương).
 (Sưu tầm)

Views: 1151