‘Hai mặt của gia đình’
Bằng cách chia sẻ những câu chuyện, tình huống đã từng tham vấn, tiến sĩ Choi Kwang Huyn mang đến những cái nhìn mới về mối quan hệ gia đình.
Chúng ta thường tâm niệm rằng về nhà là trở về với mái ấm yêu thương, bình yên, nhiều nhung nhớ và gắn bó. Nhưng đâu đó, vẫn có những trường hợp, về nhà lại đem đến những xúc cảm áp lực, mỏi mệt và cố gắng. Đâu là nguyên nhân?
Chúng ta có thể tham khảo cách lý giải tiến sĩ Choi Kwang Huyn – hiện là Trưởng khoa Tham vấn gia đình, Trường Đại học Hansei, đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trị liệu Gia đình và Sang chấn.
Với kinh nghiệm tham vấn tâm lý cho rất nhiều trường hợp có khúc mắc về tổn thương tâm lý xuất phát từ gia đình, tác giả cho rằng gia đình là nơi ẩn chứa những mâu thuẫn tâm lý vô cùng tinh vi, đến nỗi những thành viên tồn tại trong đó cũng không hề hay biết.
Một mặt gia đình giúp chúng ta thêm sức mạnh màu nhiệm, mặt khác, đồng thời gia đình cũng có thể khiến đôi vai chúng ta trở nên trĩu nặng.
Những giây phút êm ấm, vui vẻ, thân thiết, cũng có thể xen kẽ những cuộc cãi vã, những xúc cảm ghét bỏ, hay những nỗi đau trách hờn.
Chính cách dẫn dắt này đã giúp cuốn sách nhẹ bớt tính chất hàn lâm, dễ dàng tiếp cận độc giả đại chúng, cho dù đó là những lý thuyết tâm lý chuyên ngành.
Chẳng hạn “hiện tượng chuyển di” là khái niệm để chỉ những tổn thương thời thơ ấu sẽ thường được chúng ta phóng chiếu lên người khác khi trưởng thành.
Hay khái niệm “hội chứng về nhà (bị thu hút bởi người giống mình)” nói về những trường hợp luôn kiếm tìm người mang hình ảnh của bố hoặc mẹ để kiếm tìm được sự chở che, đồng cảm, thay vì tạo dựng một cuộc hôn nhân mới, một con đường, cuộc sống tình yêu đúng nghĩa.
Cuốn sách cũng phân tích, mổ xẻ hàng loạt những tình huống xoay quanh cuộc sống gia đình như: ngoại tình, chứng nghiện một điều gì đó, lựa chọn người bạn đời tương đồng…
Từ đó, sách giúp độc giả nhận thức đầy đủ nguyên nhân của sự việc, đồng thời tìm được cách chấp nhận và xoa dịu những tổn thương trong lòng.
Điều gì cũng có thể có mặt trái và gia đình cũng vậy. Cuốn sách giúp chúng ta thẳng thắn đối diện điều mà chúng ta vốn luôn muốn né tránh, không thừa nhận; giúp chúng ta mạnh mẽ vượt qua những rào cản tâm lý để hiểu sâu hơn về những nguyên do xung đột của mối quan hệ gia đình trong quá khứ lẫn hiện tại.
Bóc trần về gia đình không phải để khơi lại những tội lỗi, hay giày vò những đau thương mà là để tìm ra hướng đi cho hiện tại và tương lai, để xây đắp một gia đình hoàn hảo.
Thế nên, cuốn sách không chỉ đi tìm lời giải cho sự đổ vỡ của những mỗi quan hệ hiện tại của mỗi người thông qua những mặt khuất của gia đình, mà còn đề xuất cách giải quyết đối với các vấn đề gia đình nhức nhối, những cơ chế phòng vệ tổn thương tâm lý từ gia đình.
Đây thực sự là cuốn sách chữa lành thật đáng đọc vào dịp đầu năm mới, giúp chúng ta có lời giải cho bí mật của một gia đình hạnh phúc.
Trần Xuân Tiến // https://zingnews.vn.- 2023
Views: 2