Đường Trường Sơn – công trình vĩ đại góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Nội dung chính trong Thông tin tuyên truyền: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN – CÔNG TRÌNH VĨ ĐẠI GÓP PHẦN QUAN TRỌNG VÀO SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có một con đường chiến lược góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó chính là con đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Không chỉ là tuyến đường huyết mạch vận chuyển cán bộ, vũ khí và những hàng hóa cho chiến trường miền Nam, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh còn là công trình của quyết tâm sắt đá, ý chí “dời non lấp biển”, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam.

“Con đường huyền thoại” – biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
Năm 1959, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (sau gọi là Đoàn 559) có nhiệm vụ mở đường xuyên dãy Trường Sơn vào Nam, lấy tên gọi là đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh. Từ đây đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển, trở thành mạch máu giao thông chiến lược, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Quá trình xây dựng, phát triển con đường chiến lược Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh trải qua nhiều giai đoạn, gắn liền với các thời kỳ phát triển của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quân và dân ta đã vượt lên mưa bom, bão đạn, nắng núi, mưa rừng để phát tuyến, mở đường, đưa lực lượng, vũ khí vào chiến trường.

Từ những “lối mòn” buổi khởi đầu, với phương thức vận chuyển chủ yếu là gùi thồ, sau 16 năm (1959-1975), tuyến vận tải Trường Sơn đã phát triển thành hệ thống đường liên hoàn kéo dài hàng nghìn km, gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, gần 17.000 km đường cơ giới, trên 3.000 km đường giao liên, gần 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, hàng nghìn km đường sông suối và đường dây thông tin tải ba kéo dài suốt dọc tuyến.
Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã trở thành một “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, vươn tới khắp các hướng chiến trường với nhiều phương thức vận tải. Trên tuyến lửa ấy, từng đoàn xe ngày đêm ra trận, “những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến”.
Không chỉ là tuyến vận tải quân sự, tuyến hậu cần chiến lược, tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại còn là một chiến trường tổng hợp, mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã sớm phát hiện vai trò chiến lược vô cùng to lớn của hệ thống đường Hồ Chí Minh đối với cuộc kháng chiến của quân và dân ta ở miền Nam và sự thành bại của cuộc chiến tranh xâm lược của chúng, nên chúng không từ một thủ đoạn nào để ngăn chặn, phá hoại.
Chúng đã biến tuyến Đường Hồ Chí Minh thành chiến trường thử nghiệm hàng loạt các thủ đoạn chiến thuật, các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại nhất lúc bấy giờ, thực hiện “chiến lược ngăn chặn”, “chiến tranh bóp ngẹt”, nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, với tinh thần dũng cảm, thông minh, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta trên chiến trường Trường Sơn đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đánh bại mọi thủ đoạn chiến tranh ngăn chặn của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho các chiến trường miền Nam.
Trong 16 năm, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển hơn một triệu tấn vũ khí, phương tiện, vật chất và hàng hóa; vận chuyển, bảo đảm hành quân cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào miền Nam chiến đấu và đưa hàng vạn thương binh ra miền Bắc điều trị… Chỉ tính riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển lần lượt 413.450 tấn vũ khí và hàng hóa các loại (1), lập nên những kỳ tích vĩ đại, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Những đóng góp của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là minh chứng sống động về quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, cũng như sự chỉ đạo sát sao và tài thao lược của Đảng ta; đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, bản lĩnh vững vàng, quyết tâm sắt đá, ý chí “dời non lấp biển” của toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Viết tiếp trang sử mới
Nếu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, con đường Trường Sơn là biểu hiện sinh động của khát vọng cháy bỏng về một nền độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, thì trong thời bình, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh lại mang sứ mệnh mới của thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước.

Nhận thức được vị trí chiến lược của đường Hồ Chí Minh, vừa là con đường chiến lược an ninh, quốc phòng, vừa là con đường quan trọng để phát triển kinh tế đất nước, ngày 3/12/2004, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về Chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, ngày 15/2/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh. Theo đó, đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố với điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau). Tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167 km, trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía tây dài 500 km.
Ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh. Tính đến nay, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành hơn 90%. Mặc dù chưa thông tuyến hoàn toàn nhưng đường Hồ Chí Minh đã và đang phát huy hiệu quả thực tế, thể hiện rõ vai trò là con đường mang tính chiến lược trong phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các vùng miền, giảm tải cho quốc lộ 1A, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, chính trị, phòng thủ biên giới.
Theo đó, tuyến đường Hồ Chí Minh được hình thành, trở thành trục giao thông xuyên Việt thứ hai bên cạnh Quốc lộ 1A, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông quốc gia và tăng cường kết nối ba miền Bắc-Trung-Nam. Tuyến đường này không chỉ thúc đẩy vận chuyển hàng hóa giữa các vùng trong nước mà còn mở rộng giao thương với Lào, Thái Lan, từng bước hình thành trung tâm của hành lang kinh tế Đông-Tây tại khu vực Bắc Trung Bộ.
Đường Hồ Chí Minh đi đến đâu, cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, đổi thay đến đó. Tại Hà Tĩnh, đường Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch mà còn thúc đẩy giao thương với nước bạn Lào qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Ở Quảng Bình, tuyến đường này đã tạo điều kiện cho việc mở rộng các khu kinh tế, phát triển du lịch tại Phong Nha-Kẻ Bàng và các di tích lịch sử trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Tại Tây Nguyên, đường Hồ Chí Minh đã giúp kết nối các vùng sản xuất cà phê, hồ tiêu với thị trường cả nước và quốc tế. Các tỉnh như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum đã tận dụng tuyến đường để phát triển kinh tế nông nghiệp, thu hút đầu tư và nâng cao đời sống người dân…
Ngoài ra, tuyến đường còn đóng vai trò quan trọng trong công tác an ninh quốc phòng. Với vị trí chiến lược gần biên giới, đường Hồ Chí Minh giúp tăng cường tuần tra, bảo vệ lãnh thổ, đồng thời góp phần xây dựng các khu dân cư mới dọc tuyến, giúp người dân trở thành những “cột mốc sống” trong việc giữ gìn biên giới.
Nhìn lại hành trình gần 7 thập kỷ qua, đường Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng của ý chí đấu tranh kiên cường mà còn là động lực phát triển mạnh mẽ, mang lại diện mạo mới cho nhiều địa phương, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước./.
Minh Duyên // https://nvsk.vnanet.vn/
(1) Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị – Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội-1995, tr.318.
Views: 4