Du lịch ẩm thực – hướng đi mới cho du lịch Bình Thuận

Bình Thuận là vùng đất giàu tiềm năng về phát triển du lịch. Ẩm thực Bình Thuận hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để có thể phát triển một loại hình du lịch rất hấp dẫn du khách – Du lịch ẩm thực.

Hướng đi mới này sẽ khai thác được nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo, đặc sắc mà tự nhiên tặng riêng cho Bình Thuận, giúp bảo tồn và phát huy được các giá trị ẩm thực bản địa, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Những món ăn đặc trưng miền biển Phan Thiết được giới thiệu tại Không gian Ẩm thực. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thanh/TTXVN

Ẩm thực đặc sắc, hấp dẫn

Với lợi thế có ngư trường rộng lớn khoảng 52.000 km2, Bình Thuận là địa phương có nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản lớn của cả nước. Cũng từ đó, Bình Thuận sở hữu một nền ẩm thực miền biển khá đa dạng từ các loại cá, hải sản nhưng vẫn có nét đặc sắc riêng có, không thể nhầm lẫn với bất kỳ nơi nào.

Phan Thiết là thành phố được nhiều du khách lựa chọn khi muốn trải nghiệm hình thức du lịch ẩm thực. Thực tế, ẩm thực Phan Thiết chủ yếu xuất phát từ món ăn dân dã hàng ngày. Nguyên liệu cũng không quá cầu kỳ, qua bàn tay khéo léo, kinh nghiệm của người chế biến, những món ăn dân dã miền biển được nâng tầm thành văn hóa ẩm thực độc đáo.

Lẩu thả Phan Thiết là một điển hình. Đây là món ăn dân dã, thường ngày của ngư dân vùng biển Mũi Né từ xa xưa. Ngày nay, món ăn này được nhiều nhà hàng, khách sạn địa phương đưa vào thực đơn phục vụ khách du lịch. Nguyên liệu chính của món là cá mai. Những con cá mai tươi rói, vừa được đánh bắt từ biển mang về làm sạch, ướp cùng gia vị, tỏi, ớt. Lẩu thả thường được bày trí khá đẹp mắt với tạo hình bông hoa. Đĩa cá mai là nhụy; xung quanh là những bẹ bắp chuối chứa các món ăn kèm như: bún, rau sống, thịt ba chỉ thái sợi, trứng chiên thái mỏng… Cách bài trí này không chỉ giúp món ăn thêm bắt mắt mà còn thể hiện ngụ ý về hình ảnh những chiếc thuyền thúng nhỏ bé gắn bó với người dân chài qua nhiều năm. Độc đáo hơn nữa, người ăn có thể thưởng thức lẩu thả theo hai cách: trộn các món kèm với cá mai, nước sốt ăn khô hoặc ăn nước như các món lẩu thông thường.

Mới đây, trong khuôn khổ Ngày Hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch đã phối hợp với Chi hội đầu bếp chuyên nghiệp tỉnh Bình thuận tổ chức chương trình ẩm thực “Món ngon Bình Thuận”. Hai món ngon nổi tiếng của địa phương là lẩu thả và chả cuốn cá trích đã được giới thiệu đến du khách và được nhiều du khách ưa thích.

Lần đầu tiên được thưởng thức món lẩu thả Phan Thiết, chị Lê Ngọc Trâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cảm nhận rất ngon miệng và ấn tượng. Từ những nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm ở xung quanh, các đầu bếp chế biến và bài trí món ăn trở nên hấp dẫn đến như vậy. Độc đáo nhất là phần nước sốt. Đây như là “linh hồn” của món lẩu.

Không chỉ có lẩu thả, Bình Thuận còn có nhiều món ăn ngon, nổi tiếng như: mực một nắng, lẩu cá bớp, gỏi cá, bánh quai vạc, chả cuốn cá trích, chả mực, bánh xèo hải sản, các món ăn chế biến từ thanh long…

Đông đảo du khách đến tham quan, thưởng thức món ăn tại Không gian Ẩm thực. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thanh/TTXVN

Sự đặc sắc của ẩm thực Bình Thuận đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Trung tâm Top Việt Nam (VietTop) công nhận trong Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng (2020 – 2021) dành cho những món ngon, sản vật độc đáo trên cả nước với Lẩu thả, Mực một nắng Phan Thiết, Nước mắm của Công ty Cổ phần nước mắm Phan Thiết, Rượu vang thanh long Tazon, Thanh long sấy khô Kim Hải. Gần đây nhất, đầu tháng 4/2023, trái thanh long Bình Thuận và nước mắm con cá vàng Phan Thiết được VietKings công bố nằm trong danh sách 9 món ăn Việt. Nhóm món ăn, đặc sản của Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á.

Du lịch ẩm thực – hướng đi mới

Ẩm thực từ lâu đã là một phần quan trọng không thể thiếu của trải nghiệm du lịch. Nó được coi là một trong những lý do chính để du khách lựa chọn điểm đến và là “níu chân” du khách quay trở lại. Nắm bắt được điều đó, Bình Thuận đang đẩy mạnh phát huy lợi thế về văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch. Việc tăng cường quảng bá, kết nối thúc đẩy du lịch ẩm thực, hình thành và duy trì các điểm đến với những trải nghiệm ẩm thực độc đáo đang tạo ra sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Theo chuyên gia ẩm thực Lý Sanh, Ban Nghệ nhân, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, bên cạnh lợi thế nguồn lợi thủy hải sản phong phú, tươi ngon, khẩu vị của người Bình Thuận thuộc trung vị nên người miền Trung hay người miền Nam, miền Bắc ăn đều hợp khẩu vị. Đó là một cái lợi thế phát triển ẩm thực rất dễ để tiếp cận với các luồng du khách của các nơi đến đây.

Thực tế, tại Bình Thuận, một số doanh nghiệp, công ty lữ hành rất quan tâm và khai thác loại hình du lịch ẩm thực. Hầu như trong các chuyến hành trình của du khách đến với Bình Thuận đều gắn liền với trải nghiệm văn hóa thực từ những món ăn đường phố, món ăn dân dã, truyền thống đến các nhà hàng sang trọng, đẳng cấp.

Xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến, là động lực quan trọng cho phát triển du lịch, đầu năm 2023, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận đã thành lập Chi hội đầu bếp chuyên nghiệp với sự tham gia của 100 hội viên là các đầu bếp chuyên nghiệp đang làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, trường dạy nghề…

Ông Phạm Vũ Phong, Chi hội trưởng Chi hội đầu bếp chuyên nghiệp cho biết, Chi hội có sứ mệnh liên kết giữa các chi hội đầu bếp Việt Nam, cùng với các chi hội đầu bếp khác hỗ trợ và chia sẻ kiến thức ngành bếp để mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị nhất về ẩm thực đặc trưng khi đến với Bình Thuận.Hoạt động này góp phần gìn giữ bản sắc ẩm thực; quảng bá, phát triển nghệ thuật chế biến, nâng tầm ẩm thực của Bình Thuận hòa nhập vào tinh hoa của ẩm thực Việt Nam và thế giới.

Du khách quốc tế tại resort Villa De Sol thíc thú với không gian ẩm thực với các đặc sản địa phương để chào đón năm mới 2019. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thanh/TTXVN

Để đạt được những mục tiêu đó, Chi hội sẽ kết nối với các doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội Du lịch tổ chức các hoạt động trao đổi, giao lưu như: chế biến các món ăn mới, công thức mới, thực phẩm sạch và giàu chất dinh dưỡng; tổ chức các cuộc thi, sân chơi thể hiện kỹ năng ngành bếp… Bên cạnh đó, Chi hội đầu bếp chuyên nghiệp liên kết với các trường, cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa tay nghề, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cho các hội viên; đồng thời tạo môi trường học tập, trải nghiệm thực tế để giúp sinh viên hiểu nghề hơn, có định hướng, phát triển nhanh khi ra trường…

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết, trong chuỗi hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia 2023 – “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, thành phố sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức hoạt động văn hóa ẩm thực đường phố – Món ngon Bình Thuận năm 2023 tại khu vực Hàm Tiến, dự kiến diễn ra từ giữa tháng 5/2023, vào tối các ngày thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần. Đây được xem là hoạt động có ý nghĩa, đưa những nét đặc trưng trong ẩm thực địa phương đến với du khách, góp phần thu hút, kích cầu du lịch Phan Thiết – Bình Thuận.

Lợi thế phát triển du lịch ẩm thực tại Bình Thuận là rất lớn. Tuy nhiên, để có thể khai thác hiệu quả và nâng tầm loại hình này một cách chuyên nghiệp cần có chiến lược, sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, ngành Du lịch, các doanh nghiệp, nhà hàng khách sạn và cả cộng đồng. Hy vọng trong tương lai không xa, cùng với du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao biển, Bình Thuận sẽ phát triển, định vị thương hiệu của mình trên bản đồ du lịch ẩm thực trong nước và quốc tế.

Hồng Hiếu // https://baotintuc.vn (ngày 23 tháng 4)

Views: 10