Điều mong mỏi cuối cùng của Bác
Câu chuyện do anh Xuân Diệu kể lại: có lần Bác Hồ đến nói chuyện với một số anh chị em cán bộ cơ sở về truyền thống đoàn kết của dân tộc ta. Bác vận dụng toàn ca dao, tục ngữ để làm sáng rõ ý của mình. Bác hỏi tại sao nhân dân ta gọi nhau là đồng bào, mà cũng chỉ ở ta mới dùng tiếng này, nước khác ít thấy? Đồng bào, Bác giải thích là cùng một bọc, cùng một bào thai do Mẹ Âu Cơ sinh ra. Cùng một mẹ sinh ra thì phải yêu thương, đoàn kết: Môi hở, răng lạnh, Máu chảy ruột mềm, Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, Bầu ơi thương lấy bí cùng…, Một cây làm chẳng nên non…
Trong văn học truyền khẩu của ta, có hàng trăm câu mang nội dung yêu thương đoàn kết. Các thế lực phản động thường áp dụng chính sách chia để trị thì nhân dân ta phải đoàn kết mới chiến thắng được kẻ thù. Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công… Đột ngột giữa câu chuyện, Bác đọc một câu ca dao đến hai lần, sau đó Bác lại ngâm lên theo điệu hát ru con của Nghệ An:
À… ơi… Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh
Rồi Bác hỏi: “Cái câu này có chi lạ không nào?. Chưa ai kịp phát hiện ra cái lạ thì Bác cười lớn, rất hồn nhiên, rồi giải thích: “Con quạ lợp nhà mà con gà đưa tranh thì lạ lắm chứ! Con quạ thường đi vẩn vơ tìm kiếm… gà con làm mồi! Con quạ cùng phe với diều, là đứa chỉ điểm:
Chiều chiều quạ nói với diều
Bờ sông thanh vắng có nhiều gà con…”
Nghe Bác giải thích, mọi người thú vị cười vang. Bác rút ra kết luận: “Trong ước mơ của nhân dân ta, kẻ thù của nhau cũng trở thành bạn. Quạ và gà còn làm được như thế, huống chi con người!.
Anh Xuân Diệu có nhận xét, trong lịch sử nước ta, chưa có vị lãnh tụ nào nói nhiều, nói sâu về đoàn kết như Bác Hồ.
Trong bản Di chúc của Bác Hồ công bố năm 1969, mối quan tâm của Bác về đoàn kết cũng thể hiện rất rõ trong đoạn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Vẫn chưa hết đâu, có lẽ Người đã hình dung ra tình hình một đất nước có nhiều phức tạp sau ngày thống nhất, độc lập, nên cuối bản Di chúc, Người lại thiết tha căn dặn: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…”
Nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VII của Đảng ở mục Chính sách xã hội, có một đoạn làm cho tôi vừa vui vừa buồn:
“Đối với những người đã tham gia chính quyền và quân đội dưới chế độ cũ, Đảng, Nhà nước và xã hội ta đánh giá căn cứ vào thái độ và việc làm của họ trong công việc xây dựng và bảo vệ đất nước, xóa bỏ mọi thành kiến và mặc cảm, tạo điều kiện để họ đóng góp tài năng và sức lực vào sự nghiệp dân giàu, nước mạnh… Hơn hai triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài…”
Tôi vui vì mọi thành kiến và mặc cảm sẽ được xóa bỏ. Nhưng có cái buồn vì đã sau 16 năm kể từ ngày nước nhà độc lập, thống nhất, giữa đồng bào ta vẫn còn thành kiến và mặc cảm đối với một số người, đến nỗi Dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng phải đưa vào một mục riêng trong Chính sách xã hội!
Là một người làm công tác mặt trận, tôi nghiệm ra một điều cay đắng. Mười sáu năm qua, truyền thống đoàn kết cực kỳ quý báu của Đảng ta, của dân ta đã bị thử thách nghiêm trọng đến như thế nào. Giáo sư Trần Kim Thạch có lần phát biểu công khai trên báo: “Từ dưới lên trên đều được bầu ra, và chẳng ai phải chịu trách nhiệm gì. Nhiều người được lựa chọn không đủ trình độ, không có kiến thức nên không gánh nổi công việc. Nói rất nhiều nhưng làm được rất ít. Nghị quyết thì thuộc vanh vách nhưng không làm cái gì đến nơi đến chốn cả…”. Nhìn lại công việc của mình, giáo sư Trần Kim Thạch thú nhận: “Tất cả những việc làm của tôi đều rơi vào lực cản, bị đấu đá. Như vậy thì người có lòng lắm, muốn làm cũng không làm được gì, hoặc không làm thì phải làm chui. Làm xong rồi mới được yên thân, lộ ra là bị đánh! Hãy nghe Bác Hồ nói, đánh giá về khoa học kỹ thuật như thế nào và anh chị em ta thực hiện lời Bác ra làm sao?” (Đại Đoàn kết, số 29 tháng 7/1990).
Tôi muốn đề nghị chỉ nên giữ lại phần này: “Đảng, Nhà nước và xã hội ta tạo điều kiện để mọi công dân đóng góp tài năng và sức lực tạo điều kiện để mọi công dân đóng góp tài năng và sức lực vào sự nghiệp dân giàu, nước mạnh”. Những người đã tham gia chính quyền và quân đội dưới chế độ cũ sau khi học tập, cải tạo, tất nhiên đã được phục hồi quyền công dân, hòa đồng với nhân dân trong mọi sinh hoạt thì không nên tạo cho họ cái mặc cảm mình vẫn còn thuộc một đối tượng đặc biệt trong chính sách xã hội! Còn như đánh giá một người – bất cứ đối với ai – cũng phải căn cứ vào thái độ và việc làm của họ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, ấy là lẽ tất nhiên, không chỉ riêng với một đối tượng nào! Khi đã có cơ sở đánh giá đúng đắn như vậy, khi đã tạo điều kiện để mọi người đóng góp tài năng và sức lực vào sự nghiệp chung thì tất yếu những thành kiến, mặc cảm sẽ bị xóa bỏ!
Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh
Quạ và gà con làm được như thế, huống chi con người lại là con người Việt Nam!
(Sưu tầm)
Views: 373