Công an của ta là bạn dân phải không?

Bác và chúng tôi về đến Mỹ Lâm thì trưa. Lẽ ra vào cơ sở ăn cơm, nhưng vì có tiếng máy bay nên Bác bảo chúng tôi đem cơm ra bãi cỏ trong rừng ngồi ăn.

Tôi và đồng chí nhiếp ảnh sửa soạn cơm, lại vào làng mượn thêm chiếc chiếu của gia đình ra ngồi. Thấy thế, Bác bảo: “Các chú không được làm phiền đến dân”. Chúng tôi phải đem trả lại. Khi trở ra, thì Bác và hai đồng chí bảo vệ đã bẻ lá rừng lót thay chiếu rồi. Lúc đặt cơm xuống, Bác thấy có con gà luộc, một đĩa cá và hai bát canh. Bác không vui lắm, Bác nói:
– Trong khi nhân dân đang thắt lưng buộc bụng kháng chiến, mình ăn cơm thế này là ăn cơm quan đây !
Vừa nói Bác vừa chia đôi tất cả các món ăn. Bác bảo chúng tôi khi ăn xong đưa phần thức ăn đó vào cho các gia đình nghèo trong xóm. Còn một nửa con gà, Bác lại chia đôi lần nữa: chỉ ăn một nửa, còn một nửa gói làm thức ăn khi đi đường. Bữa ăn vừa bắt đầu thì trên trời bốn chiếc máy bay Hen-cát ầm ầm xuất hiện. Mấy chúng tôi lo lắm. Chúng tôi còn đang chưa biết làm thế nào thì Bác bình tĩnh giơ tay chỉ vào chúng tôi bảo:
– Các cháu ngồi cả xuống, không được nhốn nháo.
Bốn chiếc máy bay ào ào lượn qua một đỉnh núi và nhằm phía suối nước nóng bắn xuống. Những tiếng nổ rất đanh, đập vào vách đá rào rào.
Máy bay đi rồi, bữa ăn lại tiếp tục. Vừa ăn cơm, vừa vui vẻ hỏi tôi:
– Chú Long là công an, vậy là ở Tuyên Quang ai là người mua nhiều “Công trái quốc gia” nhất ?
– Dạ thưa Bác, ở tỉnh cháu thì bà Hồ Xuân Viện mua nhiều nhất ạ.
– Vậy thì ai là người nghèo nhất, mà lại mua cố gắng nhất ?
Bác hỏi thế, tôi đành chịu. Thật là một thiếu sót lớn. Thực ra, tôi chỉ nắm được những người giàu nhất, chứ không nắm được người nào nghèo nhất mà lại cố gắng nhất. Tôi thật thà thưa với Bác:
– Thưa Bác, cháu không nắm được ạ.
Bác hỏi:
– Công an của ta là bạn dân phải không ?
– Vâng ạ !
– Đã là bạn dân thì các chú phải nắm được ai là người nghèo nhất chứ? Người giàu nhất mua nhiều là chuyện tất nhiên, còn người nghèo mà mua cố gắng nhất, đó là tấm lòng ủng hộ kháng chiến của họ.
Bác lại hỏi tôi:
– Vậy chú hay đi công tác qua vùng thị xã, chú có nghe thấy nhân dân kêu ca gì không và nếu nghe thấy, chú đã phản ánh lại cho Đảng chưa?
– Thưa Bác, phong trào nói chung đều tốt ạ. Nhân dân Tuyên Quang tuyệt đối tin tưởng vào kháng chiến, vào Đảng ạ!
– Như vậy là tốt.
Ăn xong, Bác ngồi ngay bên cạnh uống nước và trông cho chúng tôi ăn. Thấy Bác ăn ít, chúng tôi nhìn nhau, không ai dám ăn hết các thức ăn còn lại. Bác biết ý, liền bê bát canh chan cho mỗi người chúng tôi. Bác bảo:
– Ăn hết đi các chú. Ăn no mà đi đường cho khỏe. Đừng bắt chước Bác, bụng Bác chỉ chứa được có vậy thôi.
Chan canh xong, Bác lại quay sang nói với tôi:
– Chú Long này, Bác mới đi qua vùng dân tộc, thấy họ kêu ca về cách xây dựng làng kiểu mẫu của các chú nhiều lắm! Kiểu mẫu về nội dung chứ không phải kiểu mẫu về hình thức bên ngoài! Đồng bào là người dân tộc, mà các chú bắt mở đường to, xoay hướng nhà ở, thì ai nghe? Làm thế là đảo lộn phong tục của người ta đấy. Bác nghe dư luận thế, không biết có đúng không ?
– Dạ, thưa Bác đúng ạ!
Bác nói tiếp:
– Tất cả những vấn đề đó chú phải về báo cáo lại với Tỉnh ủy. Còn các chú công an là bạn dân thì phải đi sát dân. Dân có gì bằng lòng với Chính phủ và có gì không bằng lòng, các chú phải báo cáo cho Tỉnh ủy biết, để có biện pháp khắc phục, sửa chữa.
(Vương Văn Long kể, Trương Thi ghi)
Trích “Kể chuyện Bác Hồ tập 6”, trang 72 – 74; Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2017. – 308tr.
Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Thiếu nhi: TN/VN.030075
Phòng Mượn: MVV.037613

Tác giả bài viết: ntntuyet

Views: 1