Triết lý về sự thật trong ‘Con gái của thời gian’

“Con gái của thời gian” là tiểu thuyết trinh thám đặc sắc với thủ pháp nghệ thuật và các nỗ lực suy luận dựa trên căn cứ lịch sử.

Bất cứ ai quan tâm đến lịch sử thế kỷ XV hẳn từng nghe nói về cuốn sách Con gái của thời gian, cuốn tiểu thuyết bí ẩn viết năm 1951 của Josephine Tey. Nội dung của tác phẩm này xoay quanh “tội lỗi” của vua Richard III và sự biến mất của các hoàng tử.

Josephine Tey, tên thật là Elizabeth MacKintosh, một giáo viên đến từ Inverness, Scotland. Bà bắt đầu viết tiểu thuyết năm 1929, dưới bút danh Gordon Daviot. Bà còn đam mê viết các vở kịch lịch sử, đặc biệt về cuộc đời của đức vua Richard III (1452-1485).

Tiểu thuyết Con gái của thời gian. Ảnh: Hạnh Nguyễn.

Bí ẩn sau bức tranh chân dung

Các nhà sử học và nhà văn thời Tudor đều khẳng định rằng Richard là kẻ phản diện độc ác, đã giết các hoàng tử để giành lấy ngai vàng. Sau khi tự mình tìm tòi nghiên cứu, Tey suy nghĩ liệu Richard có sát hại hai cháu trai để bảo vệ vương vị của mình như trong sách vẫn dạy hay không?

Con gái của thời gian là cuốn tiểu thuyết mà Tey đã tìm ra cách tiếp cận câu chuyện dễ hiểu hơn cho những người chưa mường tượng được sự việc. Bà dành việc tìm hiểu bí ẩn về Richard cho một vị thám tử – thanh tra Alan Grant của Scotland Yard.

Nhân vật này xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết Người đàn ông chờ đến lượt (1929) của Tey và là nhân vật chính trong năm cuốn sách của bà. Khi cuốn thứ tư, Con gái của thời gian được xuất bản, thám tử Grant lúc này đang bị gãy chân sau một pha rượt đuổi tội phạm gay cấn.

Nằm liệt trên giường, anh không thể ngăn trí óc phong phú vẽ vời ra những trò giải trí. Tuy nhiên anh chẳng thể kiên nhẫn với những cuốn sách “mì ăn liền” mà mọi người gửi tới. Một người bạn muốn làm dịu đi “cảm giác buồn chán” của anh đã gửi đến bộ sưu tập chân dung gắn liền với một tranh cãi lịch sử về Richard III.

Grant nghiên cứu bức tranh vị vua tai tiếng kỹ lưỡng và nghĩ thầm một người có khuôn mặt điển trai như vậy không thể xuống tay táng tận lương tâm được.

“Một quan tòa chăng? Một người lính? Hay một ông hoàng? Ai đó quen với trách nhiệm lớn lao và có trách nhiệm với quyền lực của mình. Một người quá tận tâm. Một kẻ luôn lo lắng, có lẽ là một kẻ cầu toàn”. Trực giác về khuôn mặt mách bảo anh, câu chuyện về một tên đại gian ác hẳn có uẩn khúc.

Trích đoạn bức chân dung vua Richard III tại Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia Anh. Ảnh: Npg.

Tấn công trực diện vào định kiến lịch sử

Anh nhờ vả Martha cung cấp những tư liệu về Richard III. Sau đó, Grant làm việc với một nhà nghiên cứu trẻ tên là Brent Carradine để truy nguyên về thời đại Tudor.

Chỉ vỏn vẹn những dòng chữ trong sách cung cấp thông tin ít ỏi về Richard III không làm Grant thỏa mãn. Những người xung quanh anh khi được hỏi về Richard III đều chỉ kể lại một vài câu chuyện họ được nghe hồi nhỏ: Một người đàn ông gù lưng, bị ghét bỏ, giết các cháu trai của mình ở tháp London, giành lấy ngai vàng sau khi vua Edward qua đời. “Nnhững sự thật ấy” đến từ vở kịch của Shakespeare và Tudor.

Theo chân vị thám tử tài ba cùng người đồng sự, độc giả được dịp ôn lại những biến cố trong thế kỷ XV. Grant tiếp cận câu chuyện thông qua cuốn sách của học giả Thomas More, rồi như cành cây lan nhánh, anh tiếp cận các nguồn thứ cấp khác về Richard, gia đình ông, các hoàng tử trong Tháp.

Vị thám tử cũng tìm hiểu về hôn ước bí mật mà đức vua Edward (cha các hoàng tử) đã bí mật thực hiện, sau khi cha họ qua đời, những hoàng tử trở thành không được thừa nhận.

Grant bực bội khi Thomas More, một người tô vẽ bức tranh biếm họa lố bịch về Richard III chỉ là cậu bé khi Richard III tại vị. More chỉ đơn giản dựa vào lời chứng của những người khác, khiến cho cuốn sách về Richard III chỉ là trò lừa đảo. Chính sự giả dối ấy càng hun đúc trong lòng vị thanh tra nhiệt huyết phải truy tìm sự thật để minh oan cho vị vua tài ba, vị tướng quân xuất sắc.

Cuộc điều tra của Grant đóng vai trò như bài nghiên cứu công phu về cuộc đời vị vua Richard III. Danh sách những cuốn sách mà Grant đọc có lẽ phản ánh phần nào lượng kiến thức mà tác giả đã thu thập khi thực hiện nghiên cứu tại Thư viện Anh.

Tựa đề tiểu thuyết uất phát từ một câu châm ngôn nổi tiếng của Francis Bacon: “Sự thật là con gái của thời gian, chứ không phải con gái của quyền lực”.

Cuốn tiểu thuyết đã mở đầu cho làn sóng tiểu thuyết, kịch và tiểu sử có cái nhìn thân thiện hơn với Richard III diễn ra vào những năm 1950-1960.

Tác giả Tey đã tấn công trực tiếp vào một định kiến lịch sử bốn trăm năm không hề lay chuyển và đưa cho người đọc một kết luận: Sự thật có thể không như những gì bạn đã nghe và biết!

Hạnh Nguyễn // https://zingnews.vn/.- 2021 (ngày 25 tháng 7)

Views: 25