Cơ quan bí mật

…Khoảng tháng 10 năm 1941, tôi trở về Cao Bằng cùng một số đồng chí. Sau khi liên lạc được với Tỉnh ủy, các đồng chí đã phân công tôi đi vận động cách mạng vùng dân tộc ít người Lũng Lừa. Tôi lại có cái tên mới: Thúy Bách – tên do đồng chí Lã đặt cho..
     Sau hơn hai tháng sống cùng đồng bào Mèo, đồng chí Lã cho gọi tôi về cơ quan tỉnh trên núi đá Lam Sơn.
     Ngồi trong hang núi, sau những cơn ho sặc sụa, đồng chí Lã nói với tôi:
     – Công tác vận động vùng Lũng Lừa của đồng chí đến nay đã có kết quả khá. Đoàn thể định đưa đồng chí về giúp việc trong tòa soạn báo Việt Nam Độc Lập. Tờ báo này đã ra được bốn năm tháng, nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Đồng chí có thể giúp. Tôi vui vẻ nhận lời.
     Cơ quan báo vẻn vẹn có 3 người. Đồng chí Vũ Anh, người Kinh, nói tiếng Nghệ, tôi đã quen biết từ lâu; đồng chí Vân Trình, người thanh niên Tày yêu nước lên rừng ngồi trong hang núi làm báo. Sức khỏe Vân Trình yếu, thỉnh thoảng ho từng cơn rũ rượi, đầu đồng chí gục xuống, mặt úp vào hai lòng bàn tay.
     Đồng chí Vũ Anh, ở cơ quan Tỉnh ủy sang, ngồi đọc tin tức, bài vở khắp nơi đưa về và viết bài, Vân Trình ngồi cặm cụi viết từng chữ trải trên tấm đá li-tô.
     Được trang báo đẹp, lòng tràn ngập niềm vui, chúng tôi làm không biết mệt mỏi.
     Về sau, do công tác bận bịu của nhà báo, tự nhiên hình thành nhiệm vụ của tôi là quản lý nhà ăn, giao thông đưa báo và chạy chanh quả, mực in, giấy dó…để in báo.
     Một hôm, từ hang Bó Tháy Lũng Hoài, tôi xuống nhà một quần chúng cốt cán, đồng chí Lén, để gửi báo và nhận hàng của hội viên ủng hộ báo. Trong khi tỉ tê nói về chuyện làm lụng, chuyện bọn chó săn dưới làng, Mã Sơn (bố Lén) hỏi tôi: “Đã gặp người cách mạng già có râu cằm thưa chưa?” Tôi nói: – Chưa! Mã Sơn kể có một ông cụ mặc áo Nùng đến đây ở lại ba ngày. Hằng ngày, đến lúc chuẩn bị nấu cháo ngô, ông cụ thường đến ngồi bên cối giúp gia đình xay bột. Người gầy gò mà xay khỏe lắm. Mã Sơn không ngớt lời khen người cách mạng già. Tôi hỏi: “Ông Cụ đi đâu rồi?”. Mã Sơn nói: – Theo đồng chí Lã lên cơ quan Tỉnh ủy, nhất định Thúy Bách sẽ được gặp.
     Nghe kể qua hình dáng, cách ăn ở, tôi ngờ ngợ đó là “đồng chí già” đang ở cơ quan Tỉnh ủy bên kia núi; lâu nay hâm mộ, tôi muốn gặp mặt.
     Lúc tôi trở về cơ quan vào buổi chiều, nhìn vào hang, tôi thấy một người la, có râu cằm, cách ăn mặc hệt người cán bộ Nùng. Đồng chí Vũ Anh đi vắng. Người cán bộ lạ ngồi nói chuyện với Vân Trinh, trông như hai bố con.
     Sau khi chào qua, tôi quay sang hốc đá bên cạnh nhóm bếp nấu cơm. Đang bận tay làm, bỗng người cán bộ lạ đến ngồi bên tôi, hỏi chuyện xa, chuyện gần, chuyện làng xóm và gia đình, tay luôn giúp tôi đun củi. Sự quan tâm thăm hỏi và cử chỉ thân mật của người cán bộ mới đến khiến tôi có cảm tình ngay.
     Nhìn kỹ, tôi thấy đồng chí có đôi mắt sáng, nét mặt xương xương, nói tiếng Nùng lơ lớ như người Nùng miền Hà Quảng. Tôi nghĩ ngay đến “Đồng chí già” mà đồng chí Lã và Mã Sơn đã kể cho nghe.
     Đến bữa ăn, tôi đơm cho Bác bát đầy. Bác bảo gạt cho bằng. Bát thứ hai, tôi đơm cho lõm xuống một chút, Bác bảo đơm cho bằng miệng. Ăn xong hai bát, Bác buông đũa. Tôi định đơm nữa, Bác không ăn. Thương Bác làm việc nhiều, sức khỏe yếu, những bữa ăn khi Bác đi công tác vắng, tôi dành phần cơm cho Bác nhiều hơn. Lúc về Bác cũng chỉ ăn đúng hai bát cơm đầy bằng miệng bát. Tôi mời thêm, Bác nói: “Cơ quan ở bí mật gặp nhiều khó khăn, chúng ta chưa thể ăn nhiều hơn”.
     Từ ngày sang ở bên cơ quan báo, Bác làm việc cả ngày. Đêm, Bác cũng không ngủ trọn giấc. Đến giờ ngủ, Bác giục Vân Trình và tôi đi ngủ. Vân Trình nằm trên một cái sàn riêng; tôi và Bác nằm chung, mỗi người một tấm chiên. Sống ở rừng, thỉnh thoảng trời mưa, tôi vẫn thấy vết chân hổ bằng cái bát to in trên đường, tôi nằm mép giường ngoài, Bác nằm trong. Nhiều lần, trăng sáng, nửa đêm tôi thức giấc nhìn không thấy Bác đâu. Có ai đắp thêm lên người tôi một tấm chăn? Bác không ngủ, và đã trở dậy làm việc từ lúc nào không biết. Nhiều buổi sáng tinh mơ, bừng mắt dậy tôi cũng không thấy Bác. Nhìn ra thấy Bác đang vung tay tập thể dục.
(Thúy Bách kể, Triều An ghi)
Trích “Kể chuyện Bác Hồ tập 6”, trang 75 – 77; Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2017. – 308tr. Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Thiếu nhi: TN/VN.030075
Phòng Mượn: MVV.037613

Views: 375