Chuyện đắp đê sông Hồng

Từ thời Lý, Trần nhà vua đã quan tâm đến chuyện đắp đê, để bảo vệ kinh thành khỏi mưa lũ. Thời nào, chuyện tu sửa đê điều ở đây vẫn được coi trọng.

Ảnh chụp sông Hồng năm 1915. Ảnh: Léon Busy.

Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX là công trình nghiên cứu công phu và tỉ mỉ, được viết bởi nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn – một người nặng lòng với lịch sử của mảnh đất nghìn năm tuổi. Hiện nay, ấn bản mới nhất của bộ sách này được chia làm hai tập.

Trong tập hai của bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn đã dành một phần để nói về chuyện đắp đê ở sông Hồng, xuyên suốt một đoạn dài lịch sử từ thời Lý, Trần đến thời Pháp thuộc đầu thế kỷ XX.

Con sông ghê gớm và có tính khí thất thường

Theo Nguyễn Văn Uẩn, cảnh sắc của kinh thành Thăng Long trù phú, màu mỡ là nhờ có sông Hồng. Thế nhưng, “con sông Hồng tính tình thất thường, những trận lũ hung hãn hàng năm vẫn thường đe dọa Hà Nội suốt chiều dài của đoạn nó đi qua thành phố này”. Để ngăn lũ lụt, người xưa đã dành nhiều tâm sức cho việc đắp đê sông Hồng.

Theo sử cũ của ta chép lại, vào đời Lý Nhân Tông (Long Phù 8 – Mậu Tý 1108) đắp đê Cơ Xá, như thế là trước đó đã có đê rồi. Đến đời vua Trần Nhân Tông (Thiên Ứng Chính Bình 17 – Mậu Thân 1248) đắp đê Quai Vạc. Đê sông Hồng tất nhiên hàng năm đều được tu bổ, sau mỗi trận lụt, nhà nước huy động nhân công đắp lại, thân đê được tôn cao thêm, chân đê được đắp rộng ra, uốn lại những khúc đê bị nước lũ công phá.

Thời Lý-Trần, nước sông Nhị (tên gọi khác của sông Hồng) rất nhiều lần gây ra lụt lội ở kinh thành Thăng Long. Trong Đại Việt sử ký có ghi: “Năm 1078, nước sông tràn vào đến cửa Đại Hưng. Năm 1128 kinh thành bị lụt lớn. Năm 1243 kinh thành bị ngập nhiều chỗ. Năm 1265, nước ngập phường Cơ Xá, người và vật thiệt hại nhiều. Năm 1270, nước to, đi lại trong thành phải dùng thuyền bè”.

Chuyện lụt lội đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân kinh thành Thăng Long. Tuy nhà vua đã quan tâm đến chuyện tu sửa đê điều, nhưng không tránh được chuyện vỡ đê. Đây là vấn đề khiến các triều đại phong kiến khi xưa đau đầu tìm giải pháp. Trong Đại Nam thực lục chính biên có ghi: “Đời Hậu Lê, Đông Đô chắc chắn không tránh được lụt lội. Đời Tự Đức, cuối thế kỷ XIX, đê Văn Giang vỡ 18 lần”.

Bộ sách Hà Nội đầu thế kỷ XX của Nguyễn Văn Uẩn. Ảnh: N.N.

Tu bổ đê đầu thế kỷ XX

Đến đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã nhận ra tầm quan trọng của việc tu bổ đê điều. Hệ thống đê sông Hồng có vững chãi thì thành Hà Nội mới được an toàn, tránh được nạn lũ lụt. Hàng năm, chính quyền Pháp đều cho người đo đạc, kiểm tra tình trạng bồi, lở của hai bên bờ sông Hồng. Các hiện tượng đổi dòng của con sông cũng được theo dõi một các sát sao.

Trong ba mươi năm đầu thế kỷ XX, đã ghi nhận nhiều lần vỡ đê. Sau mỗi lần đê vỡ, chính quyền đều chú trọng đến việc tu bổ, tiến hành đắp đê.

Năm 1915, sau khi đê Liên Mạc vỡ, 32 triệu mét khối đê được đắp thêm. Việc sửa đê từ năm 1917 đến năm 1923 đã đắp thêm được 9 triệu mét khối đê nữa; đê ở Hà Nội lúc bấy giờ cao 11,5 m (hơn trước nửa mét), tiêu tốn chi phí lên tới ba triệu đồng. Năm 1924 sửa thêm đê, để chịu sức nước khi lũ về đê cao từ 11,75 m lên 12 m.

Năm 1926 nước to, vỡ đê Lâm Du, lụt lớn ở mấy tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Đến năm 1927 đã sửa được 420 cây số đê dọc sông Hồng, đắp thêm 67 triệu mét khối đất, tiêu tốn hết bảy triệu đồng (tài liệu của Pouyanne, kỹ sư giám đốc công chính).

Là người có nhiều duyên nợ với nghiên cứu lịch sử và dành sự quan tâm đặc biệt đến lịch sử Hà Nội, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn từng thực hiện các công trình nghiên cứu độc lập và tham gia biên soạn những giáo trình lịch sử lớn như: Lịch sử Việt Nam sơ khảo (1946), Việt sử cương yếu (1948), Lịch sử thủ đô Hà Nội (1962).

Thụy Oanh // https://znews.vn

Views: 4