Chú về họp đấy à ?

Một buổi sáng, tôi tập ngay cạnh chỗ ông Cụ đứng. Nhân lúc nghỉ, lòng đầy tự hào, tôi quay sang nhìn Cụ. Tôi hỏi:
– Cụ ơi ! Cụ thấy chúng cháu tập có giỏi không ?
Nghe tôi hỏi, ông Cụ mỉm cười:
– Các chú tập khá đấy. Nhưng đánh Nhật, đánh Tây còn phải tập luyện gian khổ. Các chú đã cố gắng, còn phải cố gắng nhiều hơn nữa thì mới được !

Tôi giật mình, nghĩ bụng: “Không hiểu ông Cụ là người thế nào mà nói đúng thế ?”.
Nỗi thắc mắc ấy phảng phất trong óc tôi. Ít lâu sau, chúng tôi được phiên chế vào trường quân chính. Tôi được phân công học khoa vô tuyến điện. Khoa tôi học ở gần một căn nhà nhỏ. Ở đấy, hàng ngày tôi cũng thấy một ông Cụ sống giản dị, làm việc cần cù nhưng chưa rõ mặt. Tôi hỏi đồng chí Quang Trung:
– Ông Cụ nào đấy, đồng chí ?
Đồng chí Quang Trung không trả lời vào câu hỏi của tôi, chỉ cười và nói: “Rồi đồng chí sẽ biết !”.
Bỗng nhiên, một buổi chiều, đồng chí Quang Trung gọi tôi ra nương, rỉ tai:
– Tôi nói điều này, cậu phải bí mật nhé. Ông Cụ ở căn nhà nhỏ cậu hỏi hôm nọ, cũng chính là ông Cụ đã xem các cậu tập ở bãi hôm nào, là đồng chí Nguyễn Ái Quốc đấy !
Lần đầu tiên được biết Bác cũng là lần tôi không bao giờ quên. Từ đó trở đi, lời dạy của Bác Hồ in sâu vào tâm  trí tôi.
Năm 1949, Trung ương họp Hội nghị kháng chiến toàn quốc ở một địa điểm bí mật tại Tuyên Quang. Tôi lên công tác ở Lào Cai từ sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947. Là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, tôi cùng nhiều đồng chí trong cả nước được về dự Hội nghị này.
Từ Lục Yên (Yên Bái) – hậu phương của Lào Cai – ra đi, chúng tôi đem về Hội nghị niềm tin tưởng, phấn khởi của cán bộ, nhân dân các dân tộc Lào Cai.
Càng sung sướng biết bao về dự Hội nghị này, tôi và nhiều đồng chí khác được gặp Bác Hồ.
Chúng tôi được đến thăm Bác tại ngay nơi Bác ở. Đến gần nhà Bác, mà chúng tôi không ai biết. Đó là một ngôi nhà nhỏ, xinh, rất đơn sơ, trước cửa có mấy khóm nứa xanh, gọn gàng, sạch sẽ.
Bác đang đọc báo trong nhà, thấy chúng tôi đến, Bác đứng lên và bước ra. Bác vẫy ta. Lúc này, ai cũng muốn nhanh chóng chạy đến gần. Lòng tôi lúc này biết bao xúc động. Từ ngày gặp Bác ở bãi  tập trường quân chính kháng Nhật Tân Trào 5 năm đã trôi qua, trông bác vẫn gầy như trước, chòm râu đen dạo nào nay đã điểm bạc. Bác vẫn giản dị trong bộ quần áo nâu mộc mạc của dân tộc.
Căn nhà Bác ở rất nhỏ, không chứa hết các đại biểu. Tôi đăm đăm nhìn Bác. Bất ngờ, Bác quay lại nhìn tôi. Hồi ấy, tôi là một trong những cán bộ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch tỉnh rất trẻ tuổi. Điều ấy làm Bác chú ý tới, hay vì Bác đã nhận ra người thanh niên ở trường quân chính năm nào ? Có lẽ là cả hai lý do. Vì vậy, Bác thân mật hỏi tôi :
– Chú về họp đấy à ?
– Thưa Bác, vâng ạ.
Tôi sung sướng trả lời và báo cáo với Bác, tôi đang công tác ở Lào Cai.
Khi sắp ra về, Bác rút thuốc lá cho chúng tôi. Tôi không biết hút nên kẹp điếu thuốc vào quyển sổ để làm kỷ niệm.
(Trường Minh kể,
trích trong cuốn Avoóc Hồ, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1977)

Trích “Kể chuyện Bác Hồ tập 6”, trang 63 – 65; Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2017. – 308tr. Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Bình Thuận số 286 đường Trần Hưng Đạo – TP. Phan Thiết!
Phòng Thiếu nhi: TN/VN.030075
Phòng Mượn: MVV.037613

Views: 748